ThienNhien.Net – Theo quan điểm của các DN chế biến gỗ thì sự phát triển quá nóng của ngành chế biến và XK dăm gỗ (ngành dăm) đang làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ.
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định và tổ chức Forest Trends vừa tổ chức hội thảo Đối thoại DN: “Vai trò của gỗ nguyên liệu NK trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi cho ngành chế biến dăm gỗ XK”.
Chế biến gỗ mất cơ hội?
Theo quan điểm của các DN chế biến gỗ thì sự phát triển quá nóng của ngành chế biến và XK dăm gỗ (ngành dăm) đang làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ bởi 70 – 80% sản lượng gỗ rừng trồng được hiện nay được đưa vào chế biến dăm phục vụ XK.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, ngành dăm của Việt Nam liên tục phát triển trong khoảng 1 thập kỷ vừa qua. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng dăm gỗ XK lớn nhất thế giới. Năm 2014 Việt Nam đã XK được 6,97 triệu tấn dăm khô, tương đương với 13,9 triệu m3 gỗ nguyên liệu và đạt kim ngạch 958 triệu USD.
Mặc dù khối lượng và kim ngạch XK năm 2014 giảm so với năm 2013 bởi thị trường năm 2014 có biến động lớn, xu thế chung cho thấy thị trường XK dăm vẫn tiếp tục được mở rộng trong tương lai khi quý I/2015, XK dăm gỗ đạt hơn 200 triệu USD.
Theo TS Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends, cả nước hiện có 130 cơ sở chế biến XK dăm đang vận hành, tăng 16% so với con số 112 nhà máy của năm 2012. Với tổng công suất thiết kế của các nhà máy trên 8 triệu tấn dăm khô/năm, các nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đòi hỏi một lượng gỗ nguyên liệu đầu vào tương đương với trên 16 triệu m3, hầu hết từ nguồn rừng trồng. Xu thế thị trường XK tiếp tục được mở rộng như hiện nay là tín hiệu cho thấy số lượng các nhà máy dăm sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Tuy nhiên, theo TS Tô Xuân Phúc, sự phát triển của ngành dăm đã và đang làm nảy sinh những tranh luận nảy lửa giữa ngành dăm và ngành chế biến gỗ, bởi hai ngành này cùng sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng.
Tranh luận cũng xoay quanh các cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan đến quản lý và phát triển nguồn tài nguyên rừng trồng theo hướng giảm lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu NK cho ngành chế biến thông qua việc hạn chế XK dăm và khuyến khích trồng rừng gỗ lớn.
Theo quan điểm của các DN chế biến gỗ tại hội thảo, sự hình thành và phát triển của ngành dăm đã làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ, bởi 70 – 80% sản lượng gỗ rừng trồng được đưa vào chế biến dăm phục vụ XK.
Các DN chế biến gỗ cũng cho rằng XK dăm là XK nguyên liệu thô và chỉ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội hạn chế. Dựa trên quan điểm này, ngành chế biến gỗ kiến nghị hạn chế sự phát triển của ngành dăm, nhằm phát triển rừng trồng gỗ lớn, từ đó tạo nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cho ngành chế biến gỗ.
Nếu làm được điều này, nguồn gỗ rừng trồng sẽ được đưa vào chế biến sâu, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho cả DN chế biến gỗ và người trồng rừng. Thêm vào đó, ngành chế biến gỗ có cơ hội giảm sự lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu NK và điều này không những giúp cho các DN chế biến gỗ giảm được rủi ro có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ NK mà còn giúp cho ngành gỗ phát triển bền vững.
Tranh luận gay gắt
Khác với quan điểm của các DN chế biến gỗ, các DN dăm phản bác lại rằng, diện tích rừng trồng của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây là do sự hình thành và mở rộng của ngành dăm. Nói cách khác, ngành dăm đang có vai trò “bà đỡ” nguồn gỗ rừng trồng và điều này tạo động lực quan trọng đẩy nhanh việc mở rộng diện tích, góp phần cải thiện sinh kế cho hàng triệu hộ dân tham gia trồng rừng.
Các DN dăm cho rằng hiện đang thiếu vắng các yếu tố thúc đẩy hộ trồng rừng gỗ lớn làm nguyên liệu cho chế biến gỗ và trồng rừng làm nguyên liệu dăm là sự lựa chọn phù hợp của nhiều hộ gia đình.
Theo Giám đốc Cty liên doanh Trồng và chế biến gỗ rừng trồng Việt Nam Lê Công Cẩn, từ năm 2000, khi Chính phủ bỏ đánh thuế XK và điều kiện hạn ngạch đối với XK dăm gỗ đã làm thay đổi diện mạo cho ngành chế biến dăm gỗ và trồng rừng SX khi rất nhiều DN bắt tay vào đầu tư.
Cùng với cơ chế thị trường đã tác động mạnh đến yếu tố cạnh tranh dẫn đến giá XK từ khoảng 60 USD/tấn khô đến nay đạt khoảng 142 USD tấn/khô. Năng suất trồng rừng từ 30 tấn/ha đến nay đạt khoảng 100 tấn/ha. Giá trị 1 ha rừng trồng từ khoảng 15 triệu/ha đến nay đạt khoảng 100 tấn/ha. Như vậy, vai trò, vị trí của ngành dăm trong phát triển lâm nghiệp không hề nhỏ.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, tháng 2/2015, Bộ NN-PTNT ra quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai phương án quản lý SX dăm gỗ giai đoạn 2014-2020 trong đó nhấn mạnh “rà soát, sắp xếp các cơ sở SX dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả trong SX dăm”. Nhằm giảm lượng dăm gỗ SX theo lộ trình đã đề ra, Bộ kiến nghị áp dụng chính sách thuế theo hướng “tăng thuế XK dăm gỗ và giảm thuế XK đối với sản phẩm gỗ tinh chế XK”.
“Hạn chế XK dăm nhằm tạo gỗ lớn sẽ đạt được hiệu quả nếu các cơ chế chính sách tạo được động lực cho các hộ gia đình đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn. Để hộ làm được điều này thì chỉ áp dụng chính sách thuế XK dăm sẽ là chưa đủ. Hộ trồng rừng cần phải tiếp cận được với nguồn giống cây con tốt, tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi nhằm thực hiện đầu tư cho chu kỳ dài hơn so với chu kỳ nguyên liệu cho dăm”, bà Vũ Thị Hiền, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vùng cao (CEDRA). |
Trước đề xuất tăng thuế của Bộ NN-PTNT, các DN chế biến gỗ ủng hộ, song DN XK dăm phản ứng rất gay gắt. Tuy nhiên, phần lớn nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế sự phát triển của ngành dăm với mục đích tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm gỗ rừng trồng là định hướng hoàn toàn hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh ngành chế biến gỗ đang tiếp tục phải lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ NK. Hạn chế sự phát triển của ngành dăm nếu tạo được gỗ lớn sẽ tạo cơ hội cho việc gia tăng giá trị của sản phẩm gỗ, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho cả ngành chế biến gỗ và người trồng rừng.
Nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là chính sách và các công cụ nhằm hạn chế sự phát triển của ngành dăm, bao gồm cả việc áp dụng thuế XK dăm, cần phải được thiết kế và thực hiện như thế nào để tránh làm ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình đang tham gia trồng rừng? Khi nào nên áp dụng thuế XK dăm và khi áp dụng thì mức thuế nào là phù hợp? Với mức thuế như vậy, các bên liên quan trong chuỗi cung dăm hiện nay sẽ chịu tác động như thế nào?
Bên cạnh đó, cần có các cơ chế hiệu quả và an toàn ví dụ như bảo hiểm rừng trồng nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Ngoài ra, sự thiếu vắng các yếu tố thúc đẩy hộ trồng rừng gỗ lớn làm nguyên liệu cho chế biến gỗ và trồng rừng làm nguyên liệu dăm là sự lựa chọn phù hợp của nhiều hộ gia đình.
Cụ thể, hiện đang tồn tại một số khó khăn nội tại của hộ như hạn chế về nguồn thu tiền mặt, khó tiếp cận được nguồn tín dụng. Điều này làm hộ thiếu nguồn lực đầu tư nhằm kéo dài chu kỳ cây do vậy không tạo được gỗ lớn. Hơn nữa, các yếu tố bên ngoài hộ như thiếu nguồn giống tốt, rủi ro do thiên tai, khó tiếp cận với các DN chế biến gỗ cũng là các khó khăn hạn chế hộ phát triển gỗ lớn. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, để có được gỗ lớn, cơ chế chính sách cần được phát triển theo hướng giải quyết thỏa đáng các khó khăn nội tại của hộ cũng như các yếu tố hạn chế bên ngoài.