ThienNhien.Net – Các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung Tây Nguyên đang hứng chịu đợt khô hạn được cho là trầm trọng nhất từ trước đến nay. Hầu hết sông suối đều khô kiệt do lưu lượng nước về thấp. Các hồ thuỷ điện buộc phải co kéo lượng nước trong hồ để vừa phát điện, vừa xả nước tưới tiêu, nhưng cũng chỉ cầm cự được thời gian ngắn.
Khô kiệt dòng chảy
GĐ Cty thuỷ điện Đại Ninh Võ Tăng Lý kêu trời khi trong 8 năm vận hành nhà máy, đây là năm phải chống chọi với lưu lượng nước về hồ thấp nhất từ trước đến nay: “Cửa xả của thuỷ điện Đại Ninh được thiết kế có thể xả lũ lên tới 10.000m3/s, nhưng tổng lượng xả nhiều năm qua cao nhất cũng chỉ khoảng 400m3/s.
Lũ về rất nhỏ, trong 3 tháng mùa khô vừa qua, lưu lượng nước bình quân về hồ chỉ đạt 2,29m3/s, trong khi năm ngoái là 4,2m3/s và bình quân các năm là 7,24m3/s. Do nước về thấp, trong khi nhà máy đã cam kết với tỉnh Bình Thuận xả nước cứu lúa vụ đông xuân và hè thu nên lượng nước xả xuống hạ du trong các tháng 4 và 5 khoảng 9m3/s.
Với thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi – nguồn cứu cánh cho vựa lúa hai huyện Đức Linh và Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận, PGĐ Cty Đỗ Minh Lộc cho biết: “Dung tích còn lại đến thời điểm này của các hồ chứa Đơn Dương và Hàm Thuận khả năng chỉ có thể duy trì lượng xả đến hết tháng 5, sau thời gian này, tuỳ vào tình hình thực tế sẽ tính tiếp”.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, hồ thủy điện A Vương tích nước cũng bị hụt gần 10m so với mực nước dâng bình thường, chỉ đạt 370,3m/380m, tương đương hụt khoảng 65 triệu mét khối nước. Ông Nguyễn Trâm – TGĐ Cty CP thủy điện A Vương cho biết, lượng nước về hồ trung bình trong các tháng mùa khô chỉ khoảng 15,2m3/s, nhưng lưu lượng nước xả qua tua-bin máy phát tới 27,8m3/s.
Từ ngày 15-30.5, Cty còn buộc phải tăng cường thêm 2 tổ máy với lưu lượng trung bình ngày là 55m3/s để hạ du tỉnh Quảng Nam có đủ nước tưới gieo sạ vụ hè thu. Nếu cầm cự giỏi thì cũng đến 31.8 là thuỷ điện xuống mức nước chết (340m).
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), dù tỉ trọng thuỷ điện chiếm gần 40% sản lượng điện cả nước, nhưng trước tình hình nắng nóng và khô hạn đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) điều tiết hợp lý các nguồn thuỷ điện tại khu vực này, ưu tiên vừa phát điện, vừa xả nước chống hạn.
Trong tháng 5, dự kiến phụ tải của hệ thống điện tăng cao, đại diện EVN cho biết, sẽ khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua-bin khí, giữ mức nước các hồ thủy điện miền Nam; khai thác theo biểu đồ các hồ thuỷ điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Nhiều khu vực mất điện
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, trong ngày 17.5, có ít nhất 50 khu vực trên hàng chục con đường ở thành phố Nha Trang bị “đói” điện theo lịch cắt điện để sửa chữa của Cty CP điện lực Nha Trang. Trên trang web của Cty này, những khu vực bị cắt điện trong ngày 17.5, dày bằng tất cả các ngày trong tuần cộng lại.
Sáng 17.5, hàng trăm học sinh đến Hội trường 46 Trần Phú, nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh, để tham dự buổi tổng kết Hội thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Khánh Hòa. Mất điện ngoài dự liệu, ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi phát biểu trước các nhà khoa học “nhí” đã đề cập đến sự bất tiện này một cách hài hước để xoa dịu cái nóng bức.
Anh Nguyễn Thanh Hải, ở đường Hương Điền, phường Phước Hải, Nha Trang cho biết chỗ anh ở bị cúp điện khoảng 3h sáng, đến sáng thì có điện lại, đến 3h chiều lại bị cúp. Nắng nóng, oi bức nhưng không có điện khiến người dân “phát khùng”. Anh Nguyễn Viết Hảo, một người kinh doanh tự do muốn gửi mail cho khách hàng phải chạy sang khu vực khác để sạc điện laptop, nhưng đến nơi thì khu vực này bỗng dưng cúp điện khiến anh phải chạy vòng vòng.
Ở Ninh Thuận, ngày 16.5 vừa qua có nhiều khu vực bị cúp điện từ sáng tới chiều. Trong các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 tuần tới, lịch cúp điện dày đặc ở nhiều nơi tỉnh này. Ở Phú Yên, tình trạng cắt điện ít căng thẳng hơn, nhưng trong ngày 17.5 cũng có 2 khu vực bị cắt điện trong buổi sáng và 2 khu vực bị cắt điện từ sáng đến chiều. Nhiều người dân cho biết, lý do mất điện đều được các Cty điện lực thông báo là cắt điện phục vụ công tác thi công, sửa chữa lưới điện.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một đại diện lãnh đạo EVN khẳng định, do phải thực hiện khối lượng đóng cắt điện rất lớn trên lưới truyền tải phục vụ thi công đấu nối các công trình điện trọng điểm nên việc cắt điện đều có thông báo đến khách hàng. Dù tình hình cung ứng điện ở một số địa phương gặp khó khăn, song EVN cam kết do đã có dự phòng nguồn điện nên không để tình trạng người dân bị cắt điện luân phiên.
Hệ thống điện đã có dự phòngTheo EVN, tháng 5, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 463 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 24.780MW. Công suất đảm bảo đáp ứng của hệ thống điện quốc gia khoảng từ 26.000 – 28.200MW (bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện than đang thí nghiệm, chưa tính mua điện của Trung Quốc và các tổ máy nhiệt điện chạy dầu). Như vậy trong tháng 5.2015, hệ thống điện đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng. |