ThienNhien.Net – Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên đang xin ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến có 7 đối tượng thuộc diện chịu thuế tài nguyên.
7 đối tượng đó gồm: Khoáng sản kim loại; Khoáng sản không kim loại; Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ; Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển; Nước thiên nhiên; Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác; Tài nguyên thiên nhiên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Thuế tài nguyên được tính căn cứ trên sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế đơn vị tài nguyên và thuế suất thuế tài nguyên với nguyên tắc giá tính thuế đơn vị sản phẩm tài nguyên được xác định ở khâu nào thì áp dụng sản lượng tài nguyên tính thuế tại khâu đó và thuế suất của loại tài nguyên chịu thuế.
Thuế suất làm căn cứ tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên khai thác được quy định tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế sẽ được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.
Bộ Tài chính cũng quy định miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên; khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt; khai thác nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt; khai thác nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt; khai thác đất và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.
Được biết, Biểu thuế suất thuế tài nguyên hiện hành được chia thành hai biểu nhỏ là Biểu thuế suất đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và Biểu thuế suất đối với các tài nguyên còn lại.
Trong 2 biểu thuế, mức thuế tài nguyên được chia thành 9 nhóm. Cụ thể: Nhóm khoáng sản kim loại có thuế suất từ 10% đến 18%; Nhóm khoáng sản không kim loại từ 3% đến 22%; Nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên từ 5% đến 35%; Nhóm hải sản tự nhiên từ 2% đến 10%; Nhóm nước thiên nhiên từ 1% đến 8%; Nhóm yến sào thiên nhiên 20%; Nhóm dầu thô từ 7% đến 23% đối với các dự án khuyến khích đầu tư và từ 10% đến 29% đối với các dự án khác; Nhóm khí thiên nhiên, khí than từ 1% đến 6% đối với các dự án khuyến khích đầu tư và từ 2% đến 10% đối với các dự án khác; Các loại tài nguyên khác có thuế suất là 10%.