ThienNhien.Net – Trong khi những hệ lụy mà dự án thủy điện A Lưới để lại cho hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao huyện A Lưới vẫn chưa được khắc phục xong, thì tại thủy điện A Lin (vốn đầu tư 1000 tỷ đồng, đóng trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế), sau 5 năm mất đất bởi dự án thủy điện A Lin B1, hàng trăm hộ dân đồng bào Pa cô vẫn chưa được cấp đất sản xuất theo chủ trương “đất đổi đất”.
Mỏi mắt đợi đất sản xuất
Theo kế hoạch được phê duyệt, tháng 10-2009, Công ty CP thủy điện Trường Phú (địa chỉ ở tỉnh Thừa Thiên- Huế) bắt đầu động thổ khởi công thủy điện A Lin. Trong đó, kinh phí đền bù là 39 tỷ đồng, xây dựng khu TĐC là 13 tỷ đồng… Dù được đánh giá là thủy điện có quy mô vừa và nhỏ, nhưng dự án thủy điện A Lin đã và đang làm cho 242 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú 2 ở xã Hồng Vân rơi vào cảnh mất đất sản xuất khi đã thu hồi 400 ha đất (phần lớn là đất nông nghiệp) của người dân. Với chủ trương “đất đổi đất”, đáng lẽ chủ dự án thủy điện A Lin phải bàn giao lại số đất đã thu hồi cho người dân, nhưng đến nay đã 5 năm trôi qua, các hộ dân chỉ nhận được 500m2 đất ở và 1.500m2 đất vườn. Điều khốn khổ người dân đang gặp đó là sau khi thu hồi đất, từ đầu năm 2012 đến nay, chủ dự án này đã “bỏ của chạy lấy người” vì thiếu vốn, trong khi đất sản xuất của người dân lại bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Tôn, cán bộ địa chính xã Hồng Vân cho biết, bất cập và khó khăn mà người dân Hồng Vân gánh chịu do dự án thủy điện A Lin gây ra là không kể hết, khi đất sản xuất bị thu hồi quá lớn, ngược lại diện tích “đất đổi đất”… thì quá ít. Để chứng minh, ông Tôn cùng một số lãnh đạo xã Hồng Vân dẫn chúng tôi đến khu TĐC A Năm được Công ty CP Trường Phú xây dựng cho gần 35 hộ dân thuộc diện di dời chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 1 cây số. Thế nhưng, nhìn khung cảnh nơi đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cả khu TĐC được xây dựng với số vốn 13 tỷ đồng nay như một bản làng bỏ hoang do không có hộ dân nào đến ở.
Ông Quỳnh Moong (thôn Ta Lo) cho biết, sau khi bị mất hết đất sản xuất bởi dự án thủy điện A Lin B1, kinh tế của gia đình ông tụt dốc như xe không phanh. “5 năm rồi gia đình tui kiệt sức vì phải làm thuê làm mướn để có cái ăn qua ngày do chờ mãi vẫn không được dự án cấp đất như đã hứa”- ông Moong bức xúc. Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Moong là 242 hộ dân khác của xã Hồng Vân.
Tái định cư dân chưa hết khổ
Từ những người chủ đất, người dân địa phương trở thành người làm thuê, phiêu bạt làm ăn nhiều nơi. Ông Hồ Văn Rao- Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Người dân có cuộc sống khó khăn là do các khu tái định cư không đảm bảo về chất lượng công trình, đất đai ít ỏi, cằn cỗi, bà con không sản xuất được. Sau khi khảo sát, 30 hộ dân ở các thôn Ta Lo, A Năm và Ka Cú 2 nằm trong lòng hồ thủy điện A Lin buộc phải di dời lên khu tái định cư A Năm. Từ ngày lên đây bà con phải sống chật vật vì tình trạng sạt lở, đất đai quá ít để trồng trọt”.
Từ việc cơ quan chức năng nhiều lần đôn đốc, dự án Thủy điện A Lin B1 cam kết với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ hoàn thành vào quý III-2014. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện công trình này chỉ mới triển khai xây dựng một số hạng mục mà thôi. Cách đây gần 5 năm, chủ đầu tư dự án tiến hành xây dựng khu tái định cư tại thôn A Năm để làm nơi ở cho những hộ dân thuộc diện di dời. Tuy nhiên, thấy nhà tái định cư được xây dựng chất lượng quá kém nên phần nhiều hộ dân thuộc diện di dời đã từ chối nhận nhà. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1 nhà có người dân đến sinh sống. “Chất lượng nhà tái định cư quá tệ. Nhà vừa xây dựng xong đã xuống cấp, nứt nẻ hàng loạt, dân sợ nhà sập nên không dám ở”, ông Rao than phiền.
Tìm hiểu chúng tôi được biết từ năm 2011, sau khi phát hiện nhà tái định cư được xây dựng chất lượng kém, chính quyền xã đã đề nghị Công ty Trường Phú khắc phục, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa có bất cứ động tĩnh nào. Ông Lê Văn Cắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hồng Vân cho hay: Nếu chiếu theo quy định “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” mà Đảng và Nhà nước ban hành đối với người dân TĐC thủy điện thì quả thực nơi đây không đạt tiêu chuẩn”.