ThienNhien.Net – Như báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, từ cuối năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị gửi công văn đến Tổng cục Môi trường đề nghị đưa 52 điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu (TTS) vào danh mục chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để được cấp vốn xử lý. Kinh phí xử lý 52 điểm ô nhiễm này vào khoảng 134 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều trường học ở địa phương này vẫn trong tình trạng ô nhiễm TTS nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng chục ngàn học sinh và giáo viên.
Trong các ngày từ 11 đến 14-5, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số trường học ở Quảng Trị và ghi nhận, ô nhiễm TTS ở những nơi này đang hàng ngày đe dọa nghiên trọng sức khỏe của giáo viên và học sinh. Tại trường tiểu học số 2 xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, ô nhiễm TTS loại DDT đã vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) tới 5.927,9 lần. Trường Tiểu học Kim Đồng ở thôn Thiết Tràng, phường 4, TP Đông Hà, ô nhiễm TTS loại 666 vượt QCVN tới 26.520 lần.
Ông Nguyễn Dũng, Hiệu phó năm 1990, Trường Tiểu học số 2 Triệu Long cho biết: Cơ sở vật chất của Trường hiện nay được xây dựng ngay trên khuôn viên HTX nông nghiệp Bắc Long. Dù kho TTS được phá bỏ khi HTX này giải thể nhưng một lượng lớn thuốc trừ sâu loại DDT, 666, Wofatox đã thẩm lậu vào đất gây ô nhiễm nguồn nước, không khí cho đến tận bây giờ. Giáo viên giảng dạy lâu năm ở Trường Tiểu học số 2 Triệu Long kể, họ cùng nhiều thế hệ học sinh phải chịu đựng mùi hôi TTS suốt từ năm 1990 đến nay. Qua thời gian, mùi nồng nặc của TTS có giảm nhưng vẫn gây khổ sở vào mùa hè hay vào những ngày ẩm thấp của mùa đông. Việc ô nhiễm được các thế hệ lãnh đạo trường phản ánh lên các cấp thẩm quyền nhưng chờ đợi mãi mà không thấy có hướng giải quyết triệt để. Năm 2014, ngành chức năng cử người về trường lấy mẫu phân tích, đo mức độ ô nhiễm TTS rồi im lặng cho đến tận bây giờ. Giáo viên chịu đựng ô nhiễm khổ sở đã đành, nhiều thế hệ phụ huynh có con em học tập ở trường luôn lo lắng, bất an nhưng đành bất lực chấp nhận vì không biết kêu ai!
Đến Trường Tiểu học Kim Đồng tại km 5, QL 9, TP Đông Hà, chúng tôi được giáo viên ở đây chỉ vị trí kho TTS cũ nằm ngay cạnh phòng học, phòng làm việc của giáo viên. Ông Nguyễn Trường Bàn, Hiệu trưởng cho biết, nhiều năm trước ngành chức năng của TP Đông Hà đã đến trường đào đất ở khu vực ô nhiễm, cho vào bao ni lông và chôn lấp ngay tại nơi đã đào lên. Với cách làm này mùi của TTS có giảm nhưng TTS thì vẫn nằm trong các lớp đất sát nơi dạy học, làm việc của giáo viên. Thời gian sẽ làm các bao ni lông bục ra và tình trạng ô nhiễm TTS sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào.
Cuối năm 2014, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đã gửi công văn đến Tổng cục Môi trường đề nghị đưa 52 điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu vào danh mục chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để được cấp vốn xử lý. Kinh phí xử lý 52 điểm ô nhiễm này vào khoảng 134 tỉ đồng.
Trên cơ sở báo cáo khảo sát của sở TN&MT, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định phê duyệt danh mục xử lý 52 điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng trên địa bàn với mức độ ô nhiễm gấp hàng trăm đến hàng triệu lần mức cho phép tại các khu vực dân cư. Nghiêm trọng hơn, có nhiều kho thuốc tồn tại trong khuôn viên của các trường mẫu giáo, tiểu học như trường mẫu giáo Gio Sơn (thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh), lớp mẫu giáo thôn Duân Kinh (xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng), trường mầm non khu phố 6, (phường Đông Giang, TP.Đông Hà), Trường Tiểu học số 2 xã Triệu Long (huyện Triệu Phong)… Theo Sở TN&MT Quảng Trị, việc xử lý các điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu đặc biệt nghiêm trọng này có thể phải kéo dài hàng chục năm.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều giáo viên và phụ huynh không giấu nổi lo lắng, cho biết, hàng chục năm có thể là khoảng thời gian cần thiết để giải quyết dứt điểm ô nhiễm TTS trên địa bàn toàn tỉnh nhưng với các trường học, tình trạng ô nhiễm TTS đang hàng ngày hàng giờ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của giáo viên, học sinh. Ai có thể đảm bảo trong hàng chục năm ấy, hàng chục thế hệ học sinh các trường học bị ô nhiễm TTS ở Quảng Trị rời trường bước vào cuộc sống với thể trạng tốt, không bị ảnh hưởng bởi TTS từ không khí, nguồn nước tại nơi mà các em đã học tập?