Bài 3: Nhiều bất cập trong quản lý khai thác cát
ThienNhien.Net – Việc khai thác cát trắng trái phép tại KCN Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) và khu vực ven KCN này (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) xem ra vẫn chưa có hồi kết, bởi việc kiểm tra, quản lý chưa thể ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Và, chưa bao giờ trên địa bàn TP Đà Nẵng câu chuyện khai thác tài nguyên lại “nóng” như thời gian gần đây. Nó “nóng” đến nỗi đích thân lãnh đạo TP phải đến hiện trường trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các ngành chức năng trong công tác xử lý “sa tặc”…
Trưởng CAX Hòa Liên Nguyễn Đải cho biết, để kịp thời ngăn chặn khai thác cát trái phép trên địa bàn, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng CAX, dân quân thường trực, dân phòng cơ động triển khai tổ chức tuần tra chốt chặn 24/24 giờ tại các “điểm nóng” có nguy cơ xảy ra khai thác cát trộm. Mặt khác, lãnh đạo UBND xã trực tiếp xuống các thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 và Trung Sơn tổ chức họp cán bộ và nhân dân để nêu rõ chủ trương, tuyên truyền vận động người dân không tham gia khai thác cát dưới bất kỳ hình thức nào và không làm thuê cho các đối tượng khai thác cát trái phép; mời toàn bộ chủ phương tiện xe tải, xe đào trên địa bàn để tuyên truyền và cho ký cam kết không tham gia vận chuyển cát nên tình hình khai thác cát trộm trên địa bàn đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, ông Đải cũng thừa nhận, qua công tác tuần tra, CAX cùng các lực lượng vẫn phát hiện nhiều trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đơn cử, ngày 4-2, lực lượng CAX phát hiện và bắt giữ xe tải BKS 43S-2826 do ông Đỗ Văn Quý (1964, trú thôn Vân Dương 2, Hòa Liên, Hòa Vang) điều khiển chở theo khoảng 3,5m3 cát. Ông Quý không xuất trình được giấy tờ cũng như nguồn gốc cát nên CAX và UBND xã Hòa Liên lập hồ sơ, chuyển UBND H. Hòa Vang xử lý theo thẩm quyền. Tiếp đó, ngày 9-4, Ban CAX Hòa Liên phát hiện ông Ông Văn Tùng (1969, trú Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) điều khiển ô-tô BKS 43C-006.44 chở 3,5m3 cát không rõ nguồn gốc đang lưu thông trên đường. Hiện vụ việc cũng đang được chuyển lên CAH Hòa Vang tiếp tục điều tra, làm rõ…
Qua công tác tuần tra, CAX Hòa Liên cũng phát hiện một bãi tập kết khoảng 230m3 cát trên địa bàn, tuy nhiên do không có ai đứng ra nhận nên báo cáo UBND xã Hòa Liên giải quyết. UBND xã Hòa Liên đã thông báo bằng văn bản và trên hệ thống truyền thanh của xã để tìm chủ sở hữu, nhưng vẫn không có ai đến nhận. Để bảo quản số cát trên, lực lượng chức năng đã cho vận chuyển toàn bộ về sân vận động xã để tạm thời quản lý, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND H. Hòa Vang. Đến ngày 11-4, CAX cùng với UBND xã bắt quả tang 2 ghe khai thác cát trên sông Cu Đê, trong đó có 1 chiếc thuộc P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã chuyển giao cho P. Hòa Khánh Bắc xử lý theo thẩm quyền. Chiếc còn lại đã báo cáo lên UBND H. Hòa Vang và huyện cũng ra quyết định xử phạt chủ ghe 30 triệu đồng.
Tiếp tục tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra tình trạng khai thác cát không đúng phép thì được biết, hoạt động khai thác cát trắng trái phép còn xảy ra ở những vị trí phần lớn thuộc địa bàn KCN Hòa Khánh (các lô đất có nhà máy hoạt động). Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường CATP Đà Nẵng, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2014, lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ của một số cơ quan, đơn vị, nhiều đối tượng đã khai thác, mua, bán cát trắng trái phép trên địa bàn Q. Liên Chiểu và H. Hòa Vang, gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt, trong khi việc khai thác tận thu cát trắng vẫn đang là vấn đề “nóng” thì vào ngày 12-2, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 1251, thống nhất chủ trương cho phép Cty TNHH xây dựng B.G được khai thác tận thu cát trắng tại đường cao tốc dự kiến cắt ngang đường số 5 KCN Hòa Khánh và khu vực phía Tây hồ Bàu Tràm. Hiện nay Cty B.G đang mở đường tập kết phương tiện chuẩn bị khai thác. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức khai thác tận thu khoáng sản. Bởi, theo quy định tại điều 67 Luật Khoáng sản 2010 thì “khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”. Mặt khác, cát trắng tại khu vực KCN Hòa Khánh là loại cắt trắng silic (sử dụng làm thủy tinh) không thuộc loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010) và việc cấp phép khai thác loại tài nguyên này thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Do đó, việc UBND TP Đà Nẵng cần xem xét lại chủ trương cho phép Cty B.G khai thác tận thu cát trắng tại khu vực này.