ThienNhien.Net – Tình hình nắng nóng đã lên đến đỉnh điểm trên phạm vi toàn tỉnh Phú Yên, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tích cực triển khai phương án phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn
Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay hầu hết những diện tích rừng ở khu vực miền Trung có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP Đà Nẵng đề nghị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Theo đó, các địa phương cần chủ động thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Công điện 300 của Thủ tướng Chính phủ về PCCCR…
Ngoài ra, cần cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR, nắm bắt thông tin và tham mưu xử lý kịp thời các đám cháy phát sinh ngay từ đầu, không để bùng phát thành cháy lớn; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR; tổ chức ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô…
Tại Phú Yên, thời tiết khô hanh do nắng nóng bắt đầu từ tháng 3/2015 và hiện đã lên đến đỉnh điểm với nhiệt độ từ 35 đến hơn 39oC; trong đó, huyện Sơn Hòa có nhiệt độ cao nhất (39,6oC). Hiện nhiều khu vực rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và Đèo Cả, các Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh và một số khu vực khác đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Đối tượng gây cháy chủ yếu là do người dân mang thiết bị phát lửa, sử dụng lửa trong rừng, đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực có nguy cơ cháy cao. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng keo và bạch đàn trồng từ năm 2005 đến năm 2012 với tổng diện tích hơn 317ha (tăng 13 vụ so với năm 2013). Từ đầu năm 2014 đến nay, tuy chưa xảy ra cháy rừng lớn, nhưng công tác phòng, chống cháy luôn được đặt trong trạng thái chủ động, sẵn sàng huy động tổng lực dập lửa.
Xóa bỏ các điểm nóng cháy rừng
Phú Yên có gần 67.000ha rừng trồng (rừng khép tán trên 3 năm tuổi) 61.300ha); trong đó huyện Đồng Xuân chiếm hơn 13.000ha, là một trong những địa bàn thường xảy ra cháy rừng. Theo các ngành chức năng, rừng khép tán, thực bì dày là đối tượng dễ xảy cháy và lan nhanh nhất. “Ngoài phương án PCCCR của đơn vị, ngay từ đầu năm, chúng tôi cũng đã ban hành kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn, xử lý, xóa bỏ các điểm nóng cháy rừng, phá rừng; đôn đốc các chủ rừng và chính quyền địa phương chủ động triển khai phương án PCCCR tại chỗ khi có sự cố; đặc biệt chú ý công tác phối hợp kiểm tra ít nhất 2 lần/tháng về bảo vệ và PCCCR với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa”, ông Công nói.
Ngoài các biện pháp trên, Chi cục Kiểm lâm cũng đang tiếp tục triển khai cắm các biển cảnh báo cháy rừng tại các vùng thường xảy ra cháy lớn; kiểm tra, nhắc nhở các chủ rừng xây dựng đường băng cản lửa; thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến nhân dân và cử lực lượng kiểm lâm kiểm tra, ứng trực tại các cửa rừng để kịp thời ngăn chặn những hành vi có nguy cơ xâm hại đến rừng; đồng thời trực tiếp tuyên truyền đến những người ra vào rừng không sử dụng lửa và nhanh chóng thông tin khi phát hiện cháy rừng, các hành vi xâm hại rừng qua số điện thoại đường dây nóng để kịp chời triển khai lực lượng ngăn chặn, xử lý. Ông Công cho biết thêm, nếu chủ rừng thiếu trách nhiệm để rừng bị cháy, bị phá mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc không thông báo kịp thời cho các ngành chức năng, đơn vị sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.