ThienNhien.Net – Như Lao Động đã thông tin, hiện ở khu vực thôn Cổ Iểng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang diễn ra tình trạng phá, đốt rừng để trồng mới.
Trước tình trạng hàng trăm ha rừng bị chặt, đốt để trồng mới. Qua tìm hiểu thông tin thì được biết, ngày 20.5.2014, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký Quyết định số 203/QĐ-UBND về việc thu hồi, cho thuê đất gắn với giao rừng vùng nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang tại xã Thanh Tương, huyện Na Hang.
Theo Quyết định 203, tỉnh sẽ thu hồi 4.760.934 m2 đất do UBND xã Thanh Tương quản lý để cho Cty CP xây dựng tổng hợp Tuyên Quang thuê diện tích, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu Nhà máy đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang. Trong đó, đất có rừng tự nhiên sản xuất là 2.488.913 m2, đất có rừng trồng sản xuất 642.395 m2, đất trồng rừng sản xuất 1.629.626 m2.
Tuy nhiên việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng sản xuất rồi phát, đốt trồng cây mới khiến nhiều người dân địa phương không hài lòng.
Ông Lương Văn Sánh, thôn Cổ Iểng, xã Thanh Tương cho biết: “Thông thường cây trồng cũng không thể bằng cây tự nhiên được. Về lâu dài, việc chặt cây tự nhiên trồng cây mới này còn làm mất đi nguồn nguyên liệu, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi – những người dân sinh sống chủ yếu dựa vào rừng”.
Có chung nỗi lo, ông La Tài Tiệu ở thôn Cổ Iểng – cho hay: “Không biết việc chuyển đổi rừng, giao đất cho dân trồng cây rồi bán sản phẩm cho công ty, về lâu dài sẽ mang lợi hiệu quả kinh tế ra sao, nhưng trước mắt người dân trong thôn đã phải chịu ảnh hưởng về môi trường, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt”
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Minh Hiển, Giám đốc Nhà máy đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang – cho biết: “Theo kế hoạch, nhà máy được giao 500 ha, hiện mới được giao trước hơn 200 ha để trồng phục vụ nguyên liệu cho việc sản xuất. Rừng đang được khai thác trồng mới ngày xưa là rừng phòng hộ, không có trữ lượng nên xin tỉnh chuyển sang rừng sản xuất”.
Báo cáo số 127/BC-CCLN của Chi cục Lâm nghiệp Tuyên Quang nêu ra một số khó khăn, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp vi phạm, thu hẹp do sử dụng sai mục đích và chuyển đổi sai mục đích sử dụng rừng. Sự phối hợp của các cấp ủy chính quyền với lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng có nơi chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Nguyễn Bảo Anh, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang – cho biết: “Mỗi năm toàn tỉnh xử lý trên dưới 1.000 vụ vi phạm, trong đó có cả khai thác và vận chuyển. Riêng trong quỹ I năm 2015 đã có hơn 200 vụ vị phạm”.