ThienNhien.Net – Tài nguyên nước là máu, sông ngòi là mạch máu – các nhà khoa học hàng đầu về tài nguyên nước, sông ngòi và biển đã cùng chia sẻ quan điểm trong một cuộc hội thảo diễn ra chiều 12-5, tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Là một quốc gia có nhiều sông ngòi nhưng gần 2/3 lưu lượng dòng chảy ở Việt Nam bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ, chỉ có 1/3 nguồn nước mặt nội sinh. Đó là một thách thức không nhỏ đe dọa an ninh nước.
Nước nội sinh đang thiếu
TS Trần Việt Hùng – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH và KT Việt Nam cho rằng chúng ta luôn quên nói về đất – nước theo nghĩa đen của những từ này. 2/3 lưu lượng nước bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ, trong bối cảnh hiện nay, là một thách thức rất lớn về tài nguyên nước.
Minh họa cho điều này, PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) đưa ra những dẫn chứng cụ thể: Việt Nam có gần 3.000 con sông có chiều dài trên 10 km, tổng lượng dòng chảy khoảng 830 tỉ m3/năm nhưng 63% trong số đó chảy từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn lưu vực sông. Lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng dòng chảy. Trong đó, 2 con sông lớn nhất, quan trọng nhất thì sông Mê Kông đoạn chảy qua Việt Nam chỉ chiếm 11%, sông Hồng chiếm 51%. Mặc dù so với thế giới, lượng nước tính theo bình quân đầu người của Việt Nam rất cao, chúng ta không phải là quốc gia khan hiếm nước nhưng nếu chỉ tính riêng lượng nước nội sinh thì lại rất thấp. Ông Đào Trọng Tứ thốt lên: “Nước nội sinh đang thiếu, rất thiếu”. Trong bối cảnh thế giới quốc gia nào cũng muốn khai thác dòng chảy thì phải thấy ở góc độ chủ quyền, an ninh nước đang bị đe dọa. Việc phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia phải được xem là một thách thức lớn cần vượt qua để phát triển và quản lý tài nguyên nước.
Hội thảo Phát triển bền vững lưu vực sông – thách thức và giải pháp do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại đây, GS.TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: Vấn đề nước rất quan trọng. Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua nhưng việc quản lý tài nguyên nước vẫn chưa được thực hiện căn cơ và hiệu quả. |
Những dòng sông “tan vỡ”
PGS.TS Đào Trọng Tứ nhớ lại, khoảng những năm 1980 trở về trước, các dòng sông ở Việt Nam hầu như còn được bảo vệ rất tốt. Nhưng từ thập niên 1990 trở về đây, chúng ta đã phát triển thủy điện mạnh mẽ và ồ ạt một cách đáng kinh ngạc. Khoảng 85% các dòng sông đã được chặn dòng làm thủy điện. Tất cả những con sông lớn có thể làm được thủy điện đều đã được làm. “Thủy điện là một sự đánh đổi” – ông Tứ nhấn mạnh – “Sản lượng điện từ thủy điện đang chiếm số lượng lớn buộc chúng ta phải chặn dòng”. Và hậu quả chúng ta nhận được là những dòng sông tan vỡ: “Một dòng sông nếu bị chặn dòng 30% là một con sông chết bởi vì nó không chảy” – PGS. TS Đào Trọng Tứ dẫn chứng hình ảnh về những đoạn sông “tan nát” khi xây dựng đập chặn dòng làm thay đổi ghê gớm dòng chảy.
Ngoài thủy điện, theo các nhà khoa học, lưu vực sông còn đang bị tác động bởi sự xâm lấn lòng sông và các vùng đất ngập nước, phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản, ô nhiễm, biến đổi khí hậu… PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý: Nếu tác động tiêu cực lên lưu vực sông thì vùng biển bên ngoài sẽ gánh chịu hậu quả và tác động ngược lại khiến lưu vực sông ven biển cũng luôn chịu tác động từ biển thông qua vùng bờ như bão, triều cường, xâm nhập mặn…
Đưa ra hàng loạt dẫn chứng về những hệ quả từ sự thay đổi dòng chảy sông ngòi, PGS.TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Những cái giá chúng ta phải trả cho môi trường và xã hội lớn hơn nhiều so với lợi ích kinh tế mà ta nhận được khi khai thác các dòng sông”.
Sông là đối tượng cần bảo vệ, không phải để chinh phục
Theo các nhà khoa học, từ khi biết khai thác sông ngòi, con người đã can thiệp vào tiến trình tự nhiên làm đặc điểm dòng chảy bị thay đổi. Trong vài thập niên qua, xuất hiện ngày càng rõ rệt các dấu hiệu bất thường của thời tiết cực đoan. Đe dọa an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang hiện hữu khi một phần nước lưu lượng nước bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ, phần nước nội sinh thì đang bị thiếu hụt do ô nhiễm và thủy điện tác động. Mỗi ngày ta đều nhìn thấy những dòng sông chết.
Đưa ra một giải pháp cụ thể là phương pháp tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” (phương pháp 2R), PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển trên cơ sở gắn kết phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước với quản lý tổng hợp vùng bờ. Điều này làm tăng cường khả năng chia sẻ tài nguyên nước ngọt và tài nguyên biển, cả 2 đều vô cùng quan trọng. Còn theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, trong quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, giải pháp “không hối tiếc” là phải giữ nguyên trạng các dòng chảy.
“Tài nguyên nước là máu, sông ngòi là mạch máu” – PGS.TS Đào Trọng Tứ nói một cách đầy hình ảnh. Đã có một thời chúng ta đã lạm dụng cái gọi là “chinh phục các dòng sông”, theo ông Tứ, “sông là đối tượng để bảo vệ, không phải để chinh phục, sông có phải kẻ thù đâu mà chúng ta nói là đi chinh phục”. Chưa kể về mặt quản lý, hiện tài nguyên nước (lưu vực sông) do 3 bộ cùng quản nên vừa chồng chéo vừa không hiệu quả.
Nóng vấn đề sông Đồng Nai
20 phút trình bày của TS Vũ Ngọc Long (Viện Sinh thái học miền Nam) thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) về Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đã làm không khí Hội thảo trở nên nóng lên. Có thể coi tham luận của TS Vũ Ngọc Long và nhóm nghiên cứu chính là báo cáo phản biện của VRN về Dự án sông Đồng Nai. Trong đó, VRN đã triển khai nghiên cứu khá bài bản về Dự án trước khi đưa ra các ý kiến phản biện. Ví dụ thu thập đầy đủ thông tin về Dự án, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh: Chất lượng nước, địa chất, thủy văn và dòng chảy, tham vấn ý kiến cộng đồng… Phản biện của VRN về Dự án sông Đồng Nai chủ yếu tập trung vào phân tích tính thiếu thuyết phục của 2 báo cáo mà tỉnh Đồng Nai cho rằng đã dựa vào đó để cho triển khai Dự án. Đó là Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, đoạn từ cầu Hòa An đến cầu Gềnh và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, sơ sài của 2 báo cáo này. Đặc biệt là Báo cáo tác động môi trường của dự án chưa được phân tích đúng mức và đầy đủ. Thậm chí, theo thông tin ông Long cung cấp, một phần của báo cáo này được copy từ một báo cáo để phục vụ cho một dự án khác cũng của Đồng Nai. Theo TS Vũ Ngọc Long, sông Đồng Nai, đoạn chảy qua TP Biên Hòa đang bị xâm hại. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã cho dừng Dự án nhưng cần sớm có kết luận để dừng hẳn Dự án này. Đồng thời phải có biện pháp phục hồi lòng sông và bờ sông đã bị làm tổn thương. Bởi vì tác động về môi trường rất lớn. Căn cứ vào quy mô Dự án, đây là một ý đồ xây dựng đô thị trên sông chứ không phải là dự án kè ven sông. Tuy dự án không lớn (chỉ có quy mô 8,4 ha) nhưng lại chiếm 91% diện tích trên mặt nước sông. Điều này làm cản trở dòng chảy chung của con sông, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của dòng sông và các cộng đồng ven sông tại khu vực ven sông và vùng hạ lưu. Sông Đồng Nai là hệ thống sông nội địa lớn thứ 3 toàn quốc chảy qua 11 tỉnh. Hiện đây đã là con sông đang oằn mình chịu những tác động của 9 công trình thủy điện lớn nhỏ. Cho nên, theo TS Vũ Ngọc Long cần sớm có những giải pháp cứu sông Đồng Nai – dòng sông nuôi sống 20 triệu người của vùng miền Đông Nam Bộ. |