ThienNhien.Net – Từ vụ việc liên quan đến dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đã cho thấy, việc phát triển và quản lý lưu vực sông hiện nay còn nhiều thách thức, hạn chế cần khắc phục.
Vẫn quản lý theo địa giới hành chính
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc quản lý tài nguyên nước mà cụ thể là quản lý lưu vực sông hiện nay còn quá nhiều bất cập. Cách quản lý chưa thực sự theo phương pháp quản lý tổng hợp và bền vững theo lưu vực sông mà vẫn theo địa giới hành chính; Chưa có quy hoạch phát triển toàn diện mà thường quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ như quy hoạch thủy lợi, thủy điện… TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: “Khi thiết kế, xây dựng và vận hành các hồ chứa chưa xem xét kỹ, tạo nên những “đoạn sông chết” ở hạ lưu đập. Nhiều nơi khai thác quá mức, gây hiện tượng cạn kiệt nguồn nước, sụt lún mặt đất”.
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước chưa hoàn chỉnh; việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp trong khi có chỗ lại bỏ trống. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa hiệu quả, thiếu thống nhất.
TS Tô Văn Trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quản lý tổng hợp lưu vực sông là nội dung chủ yếu trong quản lý tài nguyên nước nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện cả về thể chế, bộ máy lẫn biện pháp thực hiện dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước còn tùy tiện, hiệu quả thấp và gây ô nhiễm. “Chúng ta đã thành lập các Ủy ban lưu vực sông nhưng điều quan trọng là tiếng nói và thực quyền của tổ chức này lại không được đề cập cụ thể trong Luật dẫn đến việc quy định chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa trong quản lý”, TS Trường nhận định.
Thực tế, những hạn chế trên đã dẫn đến những vụ việc đáng tiếc như tại dự án lấn sông Đồng Nai khiến dư luận bức xúc. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định tạm dừng dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì cần loại bỏ dự án này. TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam cho biết, dự án nằm ngay trong đoạn phình ra của con sông, nằm ngay giữa ngã ba sông, nơi được coi là rất nhạy cảm về môi trường tự nhiên và xã hội, ảnh hưởng đến 11 tỉnh thành chứ không chỉ riêng người dân tại lưu vực sông Đồng Nai.
Mới đây, đoàn giám sát hiện trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã kết luận Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, thiếu thông tin. Báo cáo đánh giá một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đi thực tế, các chuyên gia đã phát hiện báo cáo này được sao chép y nguyên nội dung phần kết luận, giải pháp và kiến nghị của Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Theo các chuyên gia, những câu chuyện tương tự như vụ lấn sông tại Đồng Nai không phải là hiếm. Việc lấn sông, gây ô nhiễm, xả thải… tại nhiều địa phương đang là thực tế nhức nhối. Do đó, việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. TS Đào Trọng Tứ cho biết quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông đã được ban hành tại Nghị định 120/NĐ-CP, 2008. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể các nội dung về quản lý lưu vực sông, phân loại lưu vực sông, tổ chức bộ máy quản lý, điều phối hoạt động, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên. Đặc biệt, khắc phục sự cố ô nhiễm nước phải gắn với trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước về lưu vực sông.
“Chúng ta đã có hành lang pháp lý với những quy định nhưng thực tế vai trò cũng như hoạt động của các ủy ban lưu vực sông vẫn chưa được hiệu quả. Ví dụ như vụ lấn sông Đồng Nai, Ủy ban lưu vực sông Đồng Nai không hề được tham vấn và trách nhiệm cũng rất mờ nhạt. Do vậy, cần tăng cường trách nhiệm cũng như hoạt động của các ủy ban này, cần có cơ chế độc lập hoạt động cho các nhà khoa học”, TS Đinh Xuân Thảo,Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội nhấn mạnh.