ThienNhien.Net – Nạn “cát tặc” lộng hành đang là vấn đề nhức nhối hiện nay với chính quyền và người dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Sáng ngày 9/5, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có mặt tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Tình trạng khai thác cát lậu trên địa bàn xã Noong Hẹt nói riêng và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Điện Biên nói chung hiện nay rất “nóng”. Xã Noong Hẹt được coi là “điểm nóng” nhất về tình trạng khai thác cát trái phép của huyện.
Đây là xã có địa bàn rộng, đường giao thông đi lại thuận lợi. Chạy qua địa bàn xã Noong Hẹt là quốc lộ 279, từ đây là những tuyến đường giao thông liên thôn, liên bản mở ra. Những “điểm nóng” khai thác cát chủ yếu thuộc địa bàn thôn Tam Phương (đường 19), bản Lé (đường 17), bản Loong Hẹt (đường 18) – khu vực mà giới khai thác cát lậu cho rằng cát có chất lượng tốt nhất, trữ lượng nhiều nhất, lại nằm xa vị trí của trung tâm UBND xã, việc khai thác thuận lợi hơn so với những nơi khác.
Trước đây, do nhu cầu xây dựng chưa cao nên việc khai thác cát của người dân đa phần bằng hình thức thủ công, chủ yếu là khai thác cát bồi ở dọc sông và vận chuyển bằng xe thô sơ, xe bò kéo. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây do nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình ngày càng tăng cao nên máy hút, máy xúc, ôtô vận tải cơ giới lớn được đưa vào phục vụ khai thác cát, nên diện tích cát bồi dọc sông dần cạn kiệt dần. Nhiều khúc sông, hai bên bờ bị xói lở tạo thành những hang, hốc rộng nham nhở vào cả chân ruộng cấy lúa của người dân.
Để các hộ dân thuận tình, các doanh nghiệp đã tìm mọi cách mua lại diện tích đất ruộng ven sông để phục vụ cho việc đặt máy, làm bãi và khai thác cát trái phép.
Được biết năm 2011, trên địa bàn xã Noong Hẹt có 1 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát do UBND tỉnh cấp có thời hạn 6 tháng, với công suất 5.000m3. Tuy nhiên, khi hết thời hạn cấp giấy phép khai thác thì doanh nghiệp này không được gia hạn thêm. Từ đó đến nay, các chủ khai thác cát khác đều không có giấy phép hoạt động khai thác, có những chủ khai thác là dân bản địa phương nhưng cũng có nhiều chủ khai thác từ nơi khác đến. Tính đến thời điểm ngày 9/5/2015, trên địa bàn xã Noong Hẹt có 3 điểm khai thác cát trái phép với 6 – 7 máy khai thác thường xuyên và đều trong tình trạng không có giấy phép.
Trước vấn nạn “cát tặc” hoành hành ngang nhiên trên địa bàn, chính quyền xã Noong Hẹt cũng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và hạn chế vụ việc như: Kiểm tra, tạm giữ phương tiện khai thác, xử phạt hành chính các chủ máy khai thác “cát tặc”… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, xử lý xong sự việc đâu lại vào đó do nguồn lợi từ cát và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn.
Ông Kha cho biết thêm: Hiện nay, chế tài sử phạt hành chính không đủ sức răn đe, với thẩm quyền cấp xã thì chỉ được tạm giữ phương tiện trái phép chứ không được tịch thu nên sau một thời gian phải trả cho các chủ máy. Sau mỗi lần thu giữ phương tiện trái phép, thủ đoạn khai thác “cát tặc” của các đối tượng ngày càng tinh vi, nhiều lần xã có đề xuất với huyện để phối hợp công tác kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không đem lại hiệu quả.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng nhưng “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoành hành ở tại xã Noong Hẹt và một số xã của huyện Điện Biên. Chính vì vấn nạn khai thác cát bừa bãi mà nỗi lo về nguy cơ sạt lở luôn hiện hữu khi mùa mưa lũ đang tới gần. Thiết nghĩ, để giải quyết nạn “cát tặc”, đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên, huyện Điện Biên cần phải có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, trả lại cảnh quan, dòng chảy cho sông Nậm Rốm.