ThienNhien.Net – Ngày 11/5, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Achim Steiner, và Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế châu Âu thuộc Liên hợp quốc (UNECE), Christian Friis Bach, đã ký bản ghi nhớ tăng cường sự hợp tác giữa UNEP và UNECE nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ cho phép hai tổ chức cung cấp sự hỗ trợ chặt chẽ cho các nước thành viên trong nhiều lĩnh vực, từ cải thiện chất lượng không khí, thúc đẩy hợp tác về quản lý môi trường, đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Sự chia sẻ chung của UNEP và UNECE này sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Âu đối phó với thách thức trong các lĩnh vực như năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Giám đốc Steiner cho rằng các nước châu Âu tiếp tục có những bước tiến lớn trong việc đạt được sự phát triển xanh cân bằng và bền vững, dẫn đầu trong nỗ lực giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, châu lục cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, từ việc sử dụng không bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng nguồn nước không đạt yêu cầu, đến việc gia tăng mức độ chất thải hóa học và chất lượng không khí tồi tệ hơn.
Theo ông Steiner, sự hợp tác kịp thời này với UNECE sẽ mang lại sức mạnh và sự gắn kết lớn hơn trong công việc của UNEP nhằm hỗ trợ các chính phủ có những nỗ lực tốt hơn trong việc quản lý, chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hòa nhập môi trường bền vững, đảm bảo hiệu quả tài nguyên trong mọi khía cạnh của các kế hoạch phát triển và thực hiện chính sách.
Trong khi đó, ông Bach tuyên bố UNECE và UNEP đã phối hợp hiệu quả tại châu Âu và Trung Á trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng cách giúp các nước thành viên duy trì sự phát triển bền vững trên mọi mặt của nền kinh tế, từ giáo dục đến sản xuất và tiêu dùng.
Chủ đề mà UNECE và UNEP cam kết tăng cường hợp tác bao gồm chuẩn bị và theo dõi sát vấn đề môi trường châu Âu, nhất là Hội nghị cấp Bộ trưởng tiếp theo, thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; cải thiện chất lượng không khí; thực hiện lộ trình về giáo dục vì sự phát triển bền vững trong khu vực; giám sát môi trường và đánh giá ở cấp quốc gia và cấp khu vực, đặc biệt là thông qua các mối liên hệ kết nối các nền tảng thông tin.
Với thỏa thuận này, khuôn khổ hợp tác giữa hai tổ chức hy vọng được tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, lâm nghiệp, nhà ở và giao thông vận tải.