ThienNhien.Net – “Mỗi người cầm theo một cây gậy nhé. Chút nữa không có gậy chống không đủ sức leo lên núi đâu” – ông Nguyễn Đức Thuận (Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đông bắc Chư Pah, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) nói như ra lệnh. Tôi cùng với 7 cán bộ của Ban Quản lý rừng im lặng làm theo và chúng tôi bắt đầu một cuộc hành trình.
Một ngày theo chân cán bộ bảo vệ rừng
5 giờ sáng, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đông bắc Chư Pah, tôi cùng với cán bộ, nhân viên thuộc Ban Quản lý có mặt ở Ban để chuẩn bị “lên đường” trải nghiệm một ngày cùng giữ rừng.
Chiếc xe ô tô chở chúng tôi lao đi trong màn sương đêm. Đi được chừng 8 km, chúng tôi đến một ngôi nhà gần bìa rừng. Theo lệnh của Trưởng ban, tất cả xuống xe chuyển sang di chuyển bằng xe máy. 8 người đi bằng 4 chiếc xe máy trên con đường đất đỏ mù mịt cát bụi.
Đến bìa rừng, những chiếc xe máy bắt đầu đi chầm chậm. Con đường đất đỏ lùi lại phía sau để nhường cho con đường mòn với những lá cây dày cộm dưới chân. Gọi là đường, nhưng thực chất nó là một lối đi xuyên trong rừng, lâu dần mòn rồi thành con đường độc đạo.
Đường rộng chừng 80cm, một bên là triền núi, một bên là vực sâu. Một người ít biết sợ như tôi cũng chỉ biết nhắm mắt mà không dám nhìn. Lúc này đây, tôi biết rằng chỉ một sơ sảy là chúng tôi có thể đánh đổi bằng mạng sống. Hiều, cậu nhân viên chở tôi mới 26 tuổi, trêu: “Chị yên tâm, em có bằng C lái xe máy đường rừng” làm tôi phì cười.
Đi chừng 2km, một lần nữa chúng tôi phải thay đổi phương tiện di chuyển. Như mệnh lệnh, ông Nguyễn Đức Thuận nói to: “Tất cả chuẩn bị leo núi. Mỗi người tự cầm theo cây gậy cho mình”. Nhìn những triền núi với con đường toàn đất là đất, mới bị “lâm tặc” xẻ, tôi bắt đầu có cảm giác mệt mỏi xen lẫn sợ sệt.
Đoàn chúng tôi bắt đầu leo dốc! Đã từng đi rừng nhiều lần, nhưng leo dốc như thế này thì quả thật là lần đầu. Tất cả chúng tôi chú tâm vào việc leo núi, lúc này tôi mới hiểu được giá trị của chiếc gậy. Không cẩn thận, chúng tôi dễ dàng theo những lớp đất mới đào trượt lại phía dưới. Có những triền dốc quá cao, dưới cái nắng gắt gao của Tây Nguyên mùa tháng 3, gương mặt chúng tôi ai cũng đỏ tía như người say rượu. Có những đoạn dốc tôi chỉ đi được chừng 20 mét lại phải đứng nghỉ vì quá căng thẳng và mệt.
Cô bé Hoài (sinh năm 1991, nhân viên của Ban Quản lý) nói nhỏ: “Chị đưa ba lô đây em hay mấy anh đeo cho. Chị mệt quá thì cứ đưa tay em kéo chị lên. Chị đi chưa quen nên dễ trượt lại phía sau lắm đấy”. Rồi Hoài kể: “Hồi em mới vào làm, biết rằng đi rừng không sướng nhưng em không tưởng tượng nổi là khó khăn, vất vả như vậy. Mỗi lần đi, chúng em phải leo qua hàng chục quả đồi. Mà con đường này còn dễ đi, với lại mùa nắng đấy, chứ mùa mưa chị không dám đi đâu. Hồi mới vào, cứ mỗi lần đi rừng về là em lại khóc thầm vì nhớ nhà, vì cực khổ chị ạ”.
Anh Nhàn, một cán bộ của Ban cho biết thêm: “Hôm nay đưa nhà báo đi thì đi đường này còn dễ đi đấy, chứ đi đường hướng kia nhà báo không dám đi đâu. Phải qua những con suối vào mùa nước lũ. Khi gặp suối, đành phải để anh em bơi giỏi bơi sang trước cột dây thừng vào rồi anh em bám vào đó theo sang”.
Trăn trở khi “máu rừng” vẫn chảy
Băng qua chừng chục quả đồi lớn nhỏ, với những cánh rừng mà xung quanh toàn cỏ lau (thế mà hôm trước tôi đọc được ở đâu đó họ nói đây là những cánh rừng nguyên sinh?), chúng tôi đến một đỉnh của quả đồi khác. Chắc do khá xa với bìa rừng nên chỏm đồi này còn được cỡ vài chục cây gỗ sến, gỗ dầu đường kính khoảng 50cm.
Ông Thuận chỉ vào những gốc cây mà lâm tặc mới đốn hạ cho biết: “Địa bàn rừng mình quản lý nằm khá xa. Lực lượng mỏng nên lắm khi biết là mất rừng, mất cây nhưng “lực bất tòng tâm”. Chúng tôi được giao quản lý trên 11.800ha rừng nhưng lại nằm rải rác trên khoảng 20ha đất nên việc quản lý rừng khá khó khăn. Lực lượng của Ban thì mỏng, công cụ hỗ trợ thật sự không có. Mấy cái bình xịt hơi cay thì làm sao mà đối chọi được với những bọn lâm tặc với những vũ khí tự chế và đầy hung hãn”.
Nhìn những gốc cây mới bị đốn hạ bởi lâm tặc, ông Thuận nói: “Mất rừng, mất cây trước hết là lỗi của chúng tôi. Mấy chục năm làm nghề giữ rừng, anh em trong Ban cũng trồng thêm được khoảng 700ha rừng trồng. Có những chỗ chúng tôi phải trồng ở độ cao từ 900 mét đến hơn 1000 mét, thế nên nhìn những gốc cây bị đốn hạ thì làm sao không đau lòng cho được. Còn nếu trong Ban, anh em nào mà bị phát hiện ra thông đồng với lâm tặc thì chúng tôi kiên quyết xử lý. Nhưng nói thì nói thế, chứ anh em giữ rừng, ai mà không đau khi thấy rừng ngày càng cạn kiệt”.
Tầm 4 giờ chiều, chúng tôi về lại ngôi nhà mà anh em vẫn ở để tiện trông coi rừng. Ngôi nhà cấp 4 nằm sát gần cửa rừng mới được xây dựng hơn năm nay. Ông Thuận cho biết: “Mấy năm trước anh em vẫn ở nhờ nhà rông của bản, nên cứ mỗi khi có mưa là anh em thức thâu đêm bởi mưa hắt, rồi muỗi rừng không ngủ được. Từ năm ngoái có tiền dịch vụ rừng nên quyết định xây dựng cái nhà này cho anh em ở để trời mưa gió anh em có chỗ ở mình cũng an tâm. Nhiều người nói đây là trạm kiểm soát là không đúng đâu. Bởi chúng tôi không có ba-ri-e, mà là trạm kiểm soát phải có quyết định của UBND tỉnh. Đây chỉ là nhà ở cho anh em giữ rừng thôi”.
Rồi chỉ vào cánh cửa phòng ngủ mới bị đập vỡ, anh Nhàn cho biết: “Cứ mỗi khi bắt được lâm tặc hay tạm giữ gỗ của họ là mấy ngày sau thế nào nhà cửa cũng bị đập phá. Đến nỗi anh em chúng tôi mua chén đĩa nhựa ăn cho bền”.
Một số anh em nhân viên cho biết thêm, vào mùa mưa, làng Kon Sơ Lăl của xã Hà Tây như một “ốc đảo” bởi con đường đi vào toàn đất đỏ lầy lội nên có khi một số anh em cả tháng mới về được nhà. Cậu nhân viên 28 tuổi vừa cười vừa nói: “Thế nên già nửa quân số chúng em ở đây đều ế vợ chị ạ”.
Chia tay anh em, tôi ra về. Nhìn những cánh rừng thông gần chục năm tuổi do tự tay anh em trồng xanh mướt, tôi chợt nhớ lời ông Nguyễn Đức Thuận nói như khóc: “Mấy chục năm trồng và giữ rừng mà đến bây giờ để mất rừng vào tay lâm tặc, đau lắm. Nhưng rừng thì rộng, chúng tôi lại lực mỏng. Mỗi lần đi kiểm soát phải có ít nhất 5 người mới dám đi vì lâm tặc bây giờ hung hãn lắm. Hôm nay đi cánh rừng bên này thì nó chặt cánh bên kia. Vất vả là thế, nhưng “máu rừng” vẫn chảy…