ThienNhien.Net – Năm 2014, Hậu Giang thực hiện việc quan trắc tại 32 “điểm nóng” trên địa bàn, nhận diện 8 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng, trong đó hầu hết là các điểm quan trắc nằm dọc tuyến kênh xáng Xà No. Kết quả phân tích cho thấy, chỉ số chất lượng nước mặt tại các khu vực dọc tuyến kênh xáng Xà No đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không phù hợp với việc cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động thực vật thủy sinh.
Báo động ô nhiễm nguồn nước thô
Hiện nay chất lượng nước mặt ở kênh Xáng Xà No thường không ổn định, nhất là vào mùa mưa. Độ đục tăng cao gấp 4 lần so với bình thường. Trong khi, đây là nguồn nước chính để phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân ở thành phố Vị Thanh và vùng lân cận. |
Báo Đại Đoàn Kết đã có bài “Cá chết bất thường trên dòng Xà No”, phản ánh về tình trạng cá chết bất thường trên dòng kênh xáng Xà No đoạn từ TP. Vị Thanh kéo dài vài km đã khiến cho người dân lo lắng về chất lượng nước mặt tại nơi này. Trong khi đó, đây là dòng sông huyết mạch cung cấp nguồn nước sinh hoạt và nông nghiệp cho tỉnh. Cơ quan chức năng cho rằng tình trạng cá chết bất thường, có thể do thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng xả rác bừa bãi ra kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, xả nước thải trực tiếp từ nhà vệ sinh của các hộ dân, phòng trọ dọc hai bên kênh, rạch mà không qua bể tự hoại. Cũng không loại trừ nguyên nhân do nước thải của các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung không được kiểm soát, xử lý triệt để, xả thải trực tiếp ra môi trường…
Ngành tài nguyên môi trường đã đưa ra kết luận về tình trạng cá chết bất thường là do nguồn nước bị thiếu oxy, nước có pH thấp, nhất là nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng của chất hữu cơ từ rơm, rạ tràn từ các dòng kênh nhỏ ra kênh Xáng.
Đến nay người dân vẫn còn lo lắng chất lượng nước ở dòng kênh Xà No vì đây đang là nguồn nước thô để Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Công trình đô thị Hậu Giang xử lý phục vụ cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân. Ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước, Công trình đô thị Hậu Giang cảnh báo: Hiện nay, chất lượng nước mặt ở kênh Xáng Xà No thường không ổn định, nhất là vào mùa mưa. Độ đục tăng cao gấp 4 lần so với bình thường. Trong khi, đây là nguồn nước chính để công ty lấy phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân ở thành phố Vị Thanh và vùng lân cận. Nếu không có biện pháp quản lý cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành thì về lâu dài nguồn nước thô này sẽ không còn sử dụng được.
Ông Thọ lo lắng, hiện nay nguồn nước của dòng kênh Xà No khu vực TP. Vị Thanh giảm chất lượng rất nhiều. Do đây là tuyến kênh độc đạo, hàng ngày có rất nhiều ghe tàu chạy qua, trong khi nguồn nước thải của người dân, nhà máy dọc kênh này ngày càng nhiều. Tỉnh cũng đã có khảo sát một vài điểm để chuyển nhà máy đi nơi khác nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp nước sạch
Một thực tế là phần lớn người dân vùng nông thôn còn nghèo, nguồn nước ngọt lại có sẵn dưới hệ thống kênh, nên người dân vẫn chưa mấy mặn mà đến việc sử dụng nước của các trạm cấp nước tập trung. Ngoài ra do mật độ dân cư vùng nông thôn thường phân bố không tập trung, rải rác theo các tuyến giao thông nên việc đầu tư trạm cấp nước tập trung quy mô lớn sẽ không phát huy hiệu quả.
Trước tình trạng nguồn nước mặt của Hậu Giang mà cụ thể là dòng kênh Xáng Xà No đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, bên cạnh việc đầu tư các trạm cấp nước tập trung tại các thị tứ, đặc biệt ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư khai thác nước sạch.
Ông Ong Phước Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết: Do nguồn ngân sách còn khó khăn nên tỉnh luôn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác nguồn nước sạch để phục vụ cho người dân. Hiện tỉnh đã đồng ý cho một số Công ty đầu tư khai thác nguồn nước.
Từ đầu năm 2015, đến nay Hậu Giang đã chấp thuận cho 3 công ty đầu tư nước sạch. Cụ thể đồng ý để Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sản xuất Đồng Vĩnh Tiến đầu tư xây dựng Nhà máy cung cấp nước sạch công suất 20.000m3/ngày đêm tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nước sau khi xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn Quốc gia về chất lượng nước của Bộ Y tế. Doanh nghiệp sẽ cung cấp nước cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước, Công trình đô thị Hậu Giang qua đồng hồ tổng với giá thỏa thuận. Ở Long Mỹ, Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại Cao Nhật cũng đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước 2.000m3/ngày đêm theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, công ty TNHH Thương mại Cao Nhật chịu trách nhiệm bỏ vốn đầu tư 100% các hạng mục công trình. Nguồn nước sau khi khai thác, xử lý sẽ cung cấp qua đồng hồ tổng của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang theo giá thỏa thuận dựa trên khung giá nước hiện hành và quy định của UBND tỉnh Hậu Giang. Ở Khu công nghiệp Sông Hậu cũng có Công ty Avon đầu tư nhà máy nước cung cấp nước sạch cho công nhân.
Xã hội hóa đầu tư khai thác nguồn nước sạch phục vụ người dân đang là chủ trương đúng đắn của tỉnh Hậu Giang để giải quyết cấp bách nguồn cung cấp nước cho nhân dân.