Khi “mật thất” mọc giữa thủ đô

ThienNhien.Net – 4 năm không có lấy một ngày bình yên. Oan ức. Rắc rối. Lo lắng. Sợ hãi… Một ban quản lý 22 người được lập ra hoặc ngồi đình cố thủ hoặc luân phiên canh gác 24/24h.

Gốc sưa ở làng Phụ Chính được hàn lồng sắt để bảo vệ. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Gốc sưa ở làng Phụ Chính được hàn lồng sắt để bảo vệ. (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Đây là câu chuyện bi hài về hai cây gỗ sưa hay còn gọi là “cụ sưa” ở làng Phụ Chính. Mà hỡi ôi, cái làng ấy đâu phải rừng xanh núi đỏ gì. Nó ở ngay Chương Mỹ. Ngay tại thủ đô. Ừ thì đó là những “khúc vàng ròng” nhưng phúc họa quả khó lường.

“Vàng ròng” ở chỗ chỉ vài cành già cỗi đã được đấu giá tới hơn 20 tỉ đồng. Còn phúc họa ở chỗ từ phiên đấu giá ấy, dân làng Phụ Chính biết thế nào là “cơn bão kim tiền” với sự xuất hiện của những đại gia buôn gỗ khét tiếng, đám đầu trâu mặt ngựa xăm trổ kín người. Và thủ đoạn. Và luật rừng. Và trộm cướp nữa

Bởi dù canh gác, “bọc thép”, vây bêtông, ấy thế mà đám sưa tặc vẫn cắt khóa, phá rào cắt trộm một gốc sưa đúng vào đêm cơn bão Sơn Tinh với mưa lớn, gió giật, sấm chớp đùng đùng quét qua làng.

Và bây giờ, dân làng Phụ Chính quyết định thuê mỗi đêm 2 tráng đinh khỏe mạnh, mỗi người 100.000 đồng ngủ ngay tại đền Đức Thánh Nhì để bảo vệ gốc sưa.

Và bây giờ, hàng rào bằng bêtông được dỡ bỏ, thay vào đó là những thanh sắt hàn thành hình lồng bao bọc quanh gốc sưa hệt như những chiếc giáp khổng lồ.

Bây giờ, bên gốc sưa đặt trống để hễ có động tĩnh gì thì gióng báo động. Bây giờ, để bảo vệ sưa, làng Phụ Chính xây một cái kho dạng như mật thất ở nhà văn hóa thôn để bảo vệ. Lối vào bịt kín bằng bêtông.

Và bây giờ, vẫn là những oan ức. Rắc rối. Lo lắng. Sợ hãi…

Câu chuyện gốc sưa vàng ròng ở làng Phụ Chính đang cho thấy có quá nhiều bất ổn xã hội mà “cụ sưa” chỉ là cái nguyên cớ.

Rằng lâm tặc, đúng hơn là luật rừng, giờ đây có thể ngang nhiên vác cưa vào tận thủ đô.

Rằng vì “sưa là vàng”, nên giờ đây không còn là trộm mà phải gọi đúng là cướp sưa.

Và hơn hết, đó là lý trí đám đông – với việc định ra một giá trị trên giời cho một cây gỗ thật ra người ta chẳng biết vì sao lại quý, lại đắt đến như thế.

Nếu có một điều ước, có lẽ không ít người làng Phụ Chính ước hai gốc sưa đó biến thành 2 gốc đa cổ thụ như những biểu tượng văn hóa truyền thống vốn dĩ thân thuộc và hiền hòa với người Việt bên mỗi sân đình.