Hàng chục ha cao su ở Sơn La bị chặt phá: Có phải chuyện bất thường?

ThienNhien.Net – Mấy ngày qua, có nhiều thông tin xung quanh việc gần 100 ha cao su 6-7 năm tuổi ở Sơn La bị chặt phá mà không thông báo đến chính quyền địa phương. Điều này khiến người trồng cao su lo lắng.

Vườn cây cao su phát triển tốt ở Sơn La... (Ảnh: nongnghiep.vn)
Vườn cây cao su phát triển tốt ở Sơn La… (Ảnh: nongnghiep.vn)

Trong những ngày gần đây, dư luận tại Sơn La đang xôn xao trước thông tin gần 100 ha cây cao su tại xã Mường Bú, huyện Mường La bị đốn hạ không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo Cty CP Cao su Sơn La, đơn vị trồng và quản lý diện tích cao su trên, việc này chặt thanh lý cao su tuân thủ đúng nguyên tắc, và đã được báo cáo bằng văn bản với chính quyền.

Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, ông Võ Nhật Duy, TGĐ Cty CP Cao su Sơn La, cho hay, cuối năm 2011 đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra rét đậm, rét hại và có sương muối. Việc này dẫn tới một số diện tích cây cao su tại xã Mường Bú hư hại.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Viện nghiên cứu Cao su đã lập đoàn khảo sát và khẳng định, 54ha trong tổng số 430 ha cao su tại địa phương này bị ảnh hưởng nặng đến thân và da, nếu để lại cũng không thể cho năng suất cao khi đến kỳ thu hoạch.

Do đó, khi có biên bản xác nhận của chính quyền địa phương và đề xuất của Cty, VRG đã quyết định cho phép thanh lý diện tích trên để trồng lại bằng giống cao su mới chịu rét tốt hơn, được SX ngay tại Sơn La.

Do phải kiểm tra các điều kiện thổ nhưỡng, nên đầu năm 2015, lãnh đạo VRG mới cho phép Cty Cao su Sơn La lập kế hoạch để trồng lại. Cty đã tiến hành chặt hạ những cây trong diện tích trên để đào hố trồng loại giống mới có năng suất cao hơn, khả năng chịu rét tốt hơn.

“Đây là việc làm bình thường và đúng các quy định chứ không bất thường và không phải tàn phá cây cao su đến kỳ thu hoạch”, ông Duy khẳng định. Về việc chặt hạ để thay thế cao su không được thông báo đến chính quyền địa phương và nông dân trồng cao su, ngày 28/4/2014, Cty đã có văn bản báo cáo và có sự xác nhận của ông Lèo Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Bú; ông Lò Văn Tươi, trưởng bản Bủng (xã Mường Bú).

Trong biên bản phúc tra diện tích thanh lý vườn cây kém hiệu quả do ảnh hưởng của rét hại, chính ông Hợp, ông Tươi cũng xác nhận rằng, kiểm tra thực tế thấy rằng, một số diện tích cao su tại địa phương có mật độ thấp, sinh trưởng yếu, còi cọc, vanh thân nhỏ do ảnh hưởng của rét đậm. Do đó, đề nghị thanh lý để trồng cao su giống mới.

Trong điều kiện khó khăn như hiện hay, giá mủ cao su xuống thấp, nhưng Cty CP Cao su Sơn La vẫn cố gắng nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Minh chứng là trong năm 2014, 2,5 nghìn công nhân đã được Cty đóng bảo hiểm xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 3,3 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập từ các phụ phẩm nông nghiệp khác.

Về thông tin cho rằng, dư luận và người lao động lo lắng về việc DN bỏ rơi người dân, bởi vì hàng nghìn hộ dân đã phải chịu đựng vất vả, gian khổ khi tham gia trồng cao su, ông Võ Nhật Duy cho rằng, đây là nhận định thiếu cơ sở. Đời sống của đại bộ phận nông dân từ khi tham gia trồng cao su khá lên rõ rệt.

“Thống kê xã hội đến hết năm 2014 cho thấy, xã Mường Bú có 170 hộ tham gia trồng cao su thì đã có 120 gia đình xây được nhà ngói, 153 hộ được dùng nước sạch, 46 hộ khá giả, 92 hộ thoát nghèo. Nhiều gia đình có xe máy, máy tính kết nối internet…”, ông Duy cho hay.

11052015_hangchuchacaosubichatpha2

Biên bản xác nhận việc thanh lý cây cao su của lãnh đạo xã Mường Bú. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Biên bản xác nhận việc thanh lý cây cao su của lãnh đạo xã Mường Bú. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Việc triển khai chương trình trồng cao su tại Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung là một chương trình mới, còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của địa phương và sự tham gia ủng hộ của người dân nên diện tích cao su toàn tỉnh đã đạt hơn 6.000 ha. Theo kế hoạch, năm 2016, nhà máy chế biến sản phẩm XK từ cao su sẽ được xây dựng.

Ông Hứa Ngọc Hiệp, Phó TGĐ VRG, cho hay: Tập đoàn đã đầu tư trên 4.500 tỷ vào chương trình phát triển cao su phía Bắc. Do đó, dù hiện tại đang còn khó khăn, nhưng Tập đoàn sẽ nỗ lực duy trì và thực hiện hiệu quả chương trình này. Vì vậy, chính quyền các địa phương và người dân hoàn toàn yên tâm.

Ông Cà Văn Chiu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La, cho biết: Cây cao su được Đảng bộ tỉnh xác định là cây trọng tâm phát triển trong cơ cấu nông nghiệp. Tuy còn nhiều khó khăn song đến nay có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng. Thực tế cây cao su đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho những vùng có loại cây này, và sẽ là cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

“Hiện 97% công nhân, người lao động của Cty là người dân tộc thiểu số. Bởi thế, tỉnh Sơn La đã có khẩu hiệu “Cây cao su là tài sản Nhà nước”. Và hơn hết, trong lúc khó khăn bởi giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, cần sự đồng lòng và chia sẻ từ các ngành, các cấp. Nếu thông tin không đầy đủ thì sẽ gây hoang mang, lo lắng cho người dân”, ông Duy đề nghị.