ThienNhien.Net – Từ Tết Nguyên đán đến nay, người dân các xã vùng đệm vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đổ xô vào rừng Di sản thiên nhiên thế giới để khai thác lan rừng bán cho thương lái với giá cao.
Với cách khai thác ồ ạt, tật diệt này, nhiều người lo ngại không chỉ nguồn lan rừng ở đây sẽ cạn kiệt mà nhiều khoảnh rừng cũng bị tàn phá tan hoang.
“Mấy chú mua bao nhiêu cũng có…”
Trong vai thương lái, chúng tôi đã tiếp cận bà M, một đầu nậu lan rừng (những người chuyên gom lan rừng của những người dân đi khai về để bán lại cho thương lái – PV) ở thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau một phút dè chừng, thăm dò bà M, tỏ ra sốt sắng: “Các chú mua được với giá bao nhiêu. Nếu được giá thì để chị gom hàng?” Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua với số lượng lớn, bà M, không ngần ngại bảo: “Các chú mua bao nhiêu cũng có, nhưng phải đợi vì nguồn lan đang cạn dần, xung quan đây họ (những người đi khai thác lan rừng –PV) đã lấy hết rồi, chừ phải vô trong rừng sâu mới có, các chú mua số lượng lớn như rứa thì phải đợi chị gom hàng đã. Có mấy nhóm đã đi 2 ngày rồi, e hôm ni về, e cũng được vài tạ đó…”.
Theo bà H, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có nhiều thương lái ở đâu không rõ, lên tận nhà bà và nhiều nhà khác trong xã đặt vấn đề, đưa những mẫu ảnh lan rừng và bảo gom lan rừng để bán cho họ. Lúc đầu họ mua với giá 45 ngàn đồng/kg, nay nguồn lan hiếm giá đã lên đến 65 ngàn đồng/kg và chắc sẻ tăng lên trong những ngày tới. Loài lan mà những thương lái đưa mẫu cho bà M, người dân địa phương không biết tên chính xác nhưng họ thường gọi là lan tai trâu, lan rau muống và nghênh xuân….Qua mẫu ảnh mà thương lái đưa cho, những người dân đi rừng dễ dàng nhận biết và theo đó mà khai thác đưa về
Anh K, một nhân mối người địa phương đã dẫn chúng tôi tiếp cận với những đầu nậu lan rừng, cho biết: Trước đây, người dân ở đây chủ yếu vào rừng tìm trầm, tìm gỗ sưa và khai thác gỗ chứ ít người khai thác lan rừng. Chỉ từ Tết nguyên đán đến nay, do lan rừng được giá, dễ tìm nên nhiều người đã đổ xô vào rừng khai thác để bán. Có thời điểm ở các thôn như Chày Lập (xã Phúc Trạch); Trằm Mé (Sơn Trạch); Khe Gát (Xuân Trạch) có hàng ngàn người đổ xô vào rừng để lấy lan về bán cho thương lái. Nhiều người suy đoán, những thương lái mua lan rừng với số lượng lớn như vậy là để bán sang Trung Quốc…
“Ở thời điểm đó, họ làm rầm rộ lắm. Nhiều người mỗi ngày vào rừng khai thác lan bán được tiền triệu nên càng ham. Ban đêm, các thương lái đánh cả xe ôtô tải hàng chục tấn về gom hàng và chở đi công khai, rầm rộ. Mãi đến nay, khi cơ quan chức năng phát hiện và triển khai ngăn chặn họ mới rút vô hoạt động “bí mật”…” – anh K nói.
Theo anh K, để khai thác một số lượng lớn lan rừng như vậy, những người khai thác lan buộc phải cưa đổ những cây rừng lớn (những cây thường có nhiều lan rừng sống) và khi cây đổ xuống chắc chắn nhiều tán rừng xung quanh sẽ bị hư hại nặng. Điều này cũng đồng nghĩa, không chỉ nguồn lan rừng ở đây bị khai thác cạn kiệt mà nhiều khoảnh rừng sẽ bị tàn phá tan hoang….
Cơ quan chức năng đang tập trung ngăn chặn
Làm việc với NTNN, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thừa nhận có tình trạng người dân các xã như Xuân Trạch, Phúc Trạch, Lâm Trạch (Bố Trạch); Thượng Hóa (Minh Hóa) đổ xô vào rừng để khai thác lan rừng bán cho thương lái. Theo ông Tịnh, khu vực mà người dân khai thác tập trung ở rừng đèo Đá Đẻo, khu vực rừng thuộc lâm trường và cộng đồng quản lý. Tuy nhiên họ cũng đã xâm chiếm vào rừng di sản để lấy phong lan.
Ông Tịnh cho biết, hiện Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đang tập trung triển khai lực lượng, quyết liệt ngăn chặn việc người dân đổ xô vào rừng di sản để khai thác lan rừng. Mới đây, lực lượng kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện trên xe ô tô mang BKS 73H – 0858 do Nguyễn Thị Hồng (SN 1977, trú tại P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới) điều khiển đang vận chuyển 180kg phong lan, gồm phong lan Hoàng Thảo Xoắn (Dendrobium tortile) và Hoàng Thảo Thủy Tiên (Dendrobium palpebrac). Đối tượng Hồng đã không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số phong lan nói trên…
Tuy nhiên, do hoa phong lan là loài cây đã được phép nhân giống, ươm nuôi, trồng…nên việc ngăn chặn, bắt giữ và xử phạt đã gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi chỉ có thể xử phạt họ khi bắt quả tang họ đang khai thác phong lan trong rừng hoặc khi vận chuyển ở khu vực gần vườn mà không chứng minh được nguồn góc, còn về Đồng Hới thì cũng khó xử lý…” – Ông Tịnh nói.
“Để khai thác một số lượng lớn lan rừng như vậy, những người khai thác lan buộc phải cưa đỗ những cây rừng lớn. Khi cây đổ xuống một điều chắc chắn nhiều tán rừng xung quanh sẽ bị hư hại nặng. Điều này cũng đồng nghĩa, không chỉ nguồn lan rừng ở đây bị khai thác cạn kiệt mà nhiều khoảnh rừng sẽ bị tàn phá tan hoang….” – anh K, một người dân địa phương lo ngại. |