ThienNhien.Net – Phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản được sử dụng để khắc phục những tổn thất môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang diễn ra. Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương, khoản phí này chưa được sử dụng đúng với mục đích ban đầu.
Sử dụng phí BVMT còn chưa hợp lý
Phí BVMT là để các địa phương phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản như khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường và tái tạo cảnh quan môi trường do hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn tồn tại tư tưởng “cào bằng”, phân bổ nguồn phí theo dân số, xã huyện chứ không tính đến mức độ ô nhiễm theo từng vùng, của từng loại khoáng sản. Dẫn đến trong cùng một địa phương, nơi có nhiều mỏ khai thác, gây nhiều ô nhiễm thì không có tiền khắc phục ô nhiễm, nơi không cần đến thì lại có vốn, dẫn đến nguồn phí bị sử dụng sai mục đích.
Ví dụ điển hình tại xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) hiện có 3 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Người dân tại đây phải sống chung với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản gây ra. Theo lãnh đạo xã Giáp Lai cho biết, hàng năm xã được chi một khoản tiền trích từ phí BVMT, nhưng số tiền này được sử dụng để chi lương cho cán bộ xã phụ trách về đất đai và môi trường là hết, còn các hộ dân trong xã chưa được đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ở Yên Bái, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là một khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, số phí thu được nộp 100% và được phân chia cho từng cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 27/2012 của HĐND tỉnh Yên Bái. Theo quy định thì cấp tỉnh được hưởng 20% để bổ sung Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh, cấp huyện hưởng 50%, cấp xã hưởng 30% nhưng mức trích tối đa không quá 1 tỷ đồng/xã/năm, số còn lại sẽ được điều tiết về ngân sách huyện. Thế nhưng, sau khi Nghị quyết trên được thực thi, nhiều xã đã phản ứng không đồng tình với tỷ lệ phân chia trên. Ông Đinh Hồng Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cho rằng, thực hiện như vậy không phù hợp bởi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Mông Sơn khá nhiều, khối lượng khai thác rất lớn đã gây ra tác hại về môi trường, đời sống người dân gặp không ít khó khăn, đường giao thông bị tàn phá. Kinh phí 1 tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể cho bảo vệ môi trường ở xã. Năm 2013, theo như phân bổ phí BVMT 30% cấp xã thì xã Mông Sơn được hưởng hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì xã chỉ được cấp là 1 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), hiện có 31 mỏ đất, đá, khoáng sản đang được cấp phép hoạt động, trong đó chỉ có 14 mỏ do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện khai thác. Theo Chi cục Thuế huyện Hòa Vang, trong năm 2014, có 24 doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền là 10,221 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước huyện năm 2014). Ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, bất cập trong việc phân bổ nguồn thu từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản nằm ở chỗ: Các doanh nghiệp nơi khác đến khai thác ở địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên cũng như môi trường sống của người dân nhưng lại đóng phí cho các địa phương khác (nơi họ kê khai nộp thuế). Chúng tôi đã không thu được đồng nào lại nhiều lần phải bỏ kinh phí ra để giải quyết hậu quả!
Cần chi đúng mục đích phục hồi môi trường
Ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho biết: Hiện nay, vấn đề quản lý, giám sát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng đang tồn tại nhiều bất cập. Luật Ngân sách đã quy định chi tiết về khoản kinh phí dành cho vấn đề bảo vệ môi trường nhưng hiện ở các địa phương đã có không ít khoản chi sai mục tiêu đề ra. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, cần tăng cường lực lượng giám sát thu và chi phí BVMT đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp, cộng đồng đối với vấn đề này.
Bà Trần Thanh Thủy – điều phối viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết, khảo sát của Liên minh Khoáng sản Việt Nam được thực hiện tại 30 xã có hoạt động khai thác mỏ (2009 – 2012). Có 6 xã cho biết hàng năm có nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản nhưng không rõ có phải là phí BVMT hay không, 12 xã không nhận được phân bổ từ khai thác khoáng sản, 12 xã không biết được phân bổ hay không; 21 xã chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường.
“Phí BVMT là khoản thu không nhỏ, có những tỉnh có số tiền thu phí BVMT tương đương với phí tài nguyên. Nhưng nếu rà soát thì hiện nay rất ít tỉnh có cơ chế phân bổ về phí BVMT. Còn cơ chế sử dụng thì phí BVMT được nhập chung với các nguồn thu khác của tỉnh rồi phân bổ, chủ yếu phục vụ quản lý Nhà nước như vấn đề tiền lương cán bộ, hoạt động của xã… Do chưa được quản lý và sử dụng đúng mục đích nên phí BVMT chưa thể hiện là một công cụ tài chính hiệu quả để phục vụ việc BVMT” – bà Trần Thanh Thủy cho biết.
Các chuyên gia khoáng sản cho rằng, cần có cơ chế giám sát độc lập để giám sát thu, chi phí BVMT trong khai thác khoáng sản. Bởi, nếu khoản tiền này không được công khai minh bạch thì việc sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy định của khoản phí này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.