ThienNhien.Net – Hơn 2 năm qua, nhiều hộ dân sống ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bức xúc phản ánh với chính quyền địa phương và nhiều cơ quan báo chí về tình trạng nguồn nước sinh hoạt ở dòng kênh Tu Hú 1 ở xã này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Dân bức xúc…
Chỉ ra phía dòng kênh trước nhà, bà Võ Thị Kim Năm ngụ tại ấp 8, đoạn Quốc lộ 61, xã Hòa An bức xúc nói: Trước đây dòng kênh này phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, thậm chí là múc lên lóng phèn có thể nấu ăn được. Nhưng hiện nay tắm không nổi, nguồn nước nổi váng màu xanh dờn, nhất là buổi trưa trời nắng nóng dòng kênh này bốc mùi hôi dữ lắm…
Chị Lê Thị Xinh người dân ở đây cũng tiếp lời: Cách đây khoảng 1 tuần do tắm nước con kênh này quên dội lại nước lóng phèn khiến cho người nổi mẫn ngứa khắp, phải đi mua thuốc uống cả tuần hiện các nốt đã lặn nhưng vẫn còn nhiều nốt ngứa ở cánh tay. Tội nhất mấy đứa nhỏ, tôi đâu cho chúng tắm trực tiếp ở kênh, phải múc lên rồi lóng phèn, nấu chín rồi mới cho tụi nó tắm, nhưng vẫn bị ngứa…
Các hộ dân sống hai bên của dòng kênh tu hú khoảng trên dưới 120 hộ đến nay vẫn chưa có đường nước máy để xài, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của họ vẫn phải lấy từ dòng kênh này rồi xử lý lại.
Ông Lê Văn Nhành 75 tuổi sống từ nhỏ ở dòng kênh Tu Hú 1 này cảm thấy xót xa vì ông chứng kiến được nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu đi của con kênh, ông Nhành tâm sự: Trước đây mỗi khi đi làm đồng về là nhảy ùm xuống kênh tắm mát, sinh hoạt cũng gắn với con kênh. Nhưng khoảng hơn 3 năm qua, dòng kênh này bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước đục ngầu cộng với mùi hôi thối không tôi không dám ra đó ngồi hóng mát nữa. Ông Nhành cũng như nhiều người dân ở khu vực này đều cho rằng nguyên nhân chính khiến cho dòng kênh Tu Hú 1 bị ô nhiễm nghiêm trọng là do nguồn nước thải từ 2 trang trại cá của bà Trần Thị Giàu và của ông Lý Hiệp (Trước đây là Hợp tác xã Phú Lợi – PV ) nằm ở cách UBND xã khoảng vài trăm mét.
Tiếp xúc với ông Lê Công Tạ ở ấp 8, ông Tạ buồn rầu cho biết nhiều lần báo, đài xuống phản ánh nhưng rồi đâu lại vào đó không thấy biến chuyển gì. Ông Tạ vẫn còn nhớ cuối năm 2013, sau khi hàng chục hộ dân ở đây bức xúc về tình trạng ô nhiễm của dòng kênh đã kéo đến 2 cơ sở nuôi cá nói trên để đòi công bằng, nhưng 2 cơ sở đó hứa khắc phục được vài ngày lại tiếp diễn tình trạng ô nhiễm.
Điều đáng nói, ở khu vực này có Trạm cấp nước xã Hòa An thuộc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua cũng lấy nguồn nước thô từ dòng kênh Tu Hú 1 để xử lý cấp nước cho dân khiến cho người dân lo lắng khi sử dụng. Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn Trưởng trạm cấp nước xã Hòa An cho biết: “Hiện trạm đang cấp nước cho khoảng 650 hộ dân ở xã Hòa An, vài năm gần đây nguồn nước thô từ dòng kênh bị ô nhiễm khiến cho chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện chúng tôi đang xin kinh phí đầu tư cây nước ngầm để phục vụ cho người dân, chứ nguồn nước thô này không thể sử dụng được nữa”…
Chính quyền lúng túng
Trao đổi với ông Lê Công Bộ, Trưởng ấp 8 xã Hòa An, được biết, tình trạng người dân phản ánh ô nhiễm nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết, gia đình ông Bộ cũng chịu chung cảnh giống như các hộ dân ở đây. Ông Bộ nói: Tội nhất là mấy đứa nhỏ và chị em phụ nữ họ kêu bị bệnh phụ khoa và mẫn ngứa. Ấp và xã cũng bó tay rồi. Ngay cả huyện và tỉnh có xuống kiểm tra nhưng không thấy biến chuyển gì. Ông Bộ tâm sự tiếp: Tôi thấy bà con ở đây rất hiền lành, mặc dù nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống nhưng những người dân ở đây cũng không đòi hỏi là phải di dời hay đóng cửa 2 cơ sở nuôi cá này đi nơi khác mà họ chỉ yêu cầu 2 cơ sở này kéo đường nước máy cho họ có nước sạch để xài. Và xử lý nguồn nước trước khi thải trực tiếp ra kênh.
Được biết khoảng tháng 8 năm 2013 nhiều người dân bức xúc gửi đơn lên các cơ quan chức năng của tỉnh, đoàn Thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đã xuống kiểm tra và lấy mẫu tại khu vực hạ nguồn và thượng nguồn của 2 cơ sở nuôi cá này, kết quả phân tích mẫu cho thấy nguồn nước trên tuyến kênh này bị ô nhiễm. Cụ thể nước mặt thượng nguồn cách cơ sở nuôi cá khoảng 50m, nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn quy định, điển hình chỉ tiêu dầu mỡ vượt 56,5 lần; còn nước mặt hạ nguồn cách 50m chỉ tiêu dầu mỡ cũng vượt lên tới 81,5 lần. Đồng thời đoàn cũng yêu cầu 2 cơ sở này phải khắc phục trong vòng 30 ngày, nhưng đến nay hơn 2 năm tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
Ông Võ Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết: “Thời gian qua người dân phản ánh nhiều. Chúng tôi cũng mời 2 cơ sở này lên nhưng vẫn không thấy biến chuyển gì. Gần nhất là cuối năm 2014 sau khi thấy nước ô nhiễm chúng tôi đã mời 2 cơ sở này lên yêu cầu khắc phục nhưng chỉ được vài ngày lại tiếp diễn lại. Xã vẫn còn nhớ năm 2013 sau khi nhiều hộ dân phản ánh về nguồn nước ô nhiễm, 2 cơ sở này đã hứa khắc phục và sẽ lắp đường ống nước cho người dân nhưng đến nay nhiều năm vẫn không thấy động tĩnh gì. Xã Hòa An có diện tích trên 4.800 ha nhưng trong đó có trên 50% diện tích bị nhiễm phèn nên nhiều nơi không thể đóng cây nước để xài được”…
Ông Võ Văn Kết thông tin thêm, cơ sở nuôi cá rô của bà Trần Thị Giàu có diện tích khoảng 3ha, trong đó hơn 1ha diện tích mặt nước, với 9 ao nuôi cá nhưng chỉ có 1 ao lọc nước và 1 ao lục bình để lắng cặn bã. Còn cơ sở nuôi cá rô và cá sặc rằn của ông Lý Hiệp diện tích 11ha có 5,6ha mặt nước với 9 ao nuôi cá nhưng chỉ có 2 ao chứa bùn thải. Theo ông Kết, thời gian tới xã sẽ báo cáo lên cấp trên có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm từ 2 cơ sở này.