ThienNhien.Net – Ngày 6.5, tại xã Minh Sơn (Bắc Mê), Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật (KHKT) tỉnh phối hợp UBND xã Minh Sơn tổ chức Hội thảo khoa học Tham vấn địa phương về ảnh hưởng các hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường, rừng, đa dạng sinh học. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Bắc Mê, các doanh nghiệp khai khoáng, những người dân chịu tác động trực tiếp của hoạt động khai thác khoáng sản.
Trên địa bàn xã Minh Sơn có 5 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại 8 điểm mỏ, với tổng diện tích trên 465 ha. Hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 100 lao động địa phương. Tuy nhiên, những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng địa phương.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm con người và thiên nhiên, nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ Liên hiệp các Hội KHKT đã phỏng vấn 132 người dân địa phương, đại diện các cơ quan chuyên môn của huyện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có trên 38 ha rừng phòng hộ của xã bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác khoáng sản. Trữ lượng rừng bị mất đi do phải chặt hạ cho khai trường mỏ sắt Sàng Thần gần 10 ha, tương đương 1.751m3 gỗ nhóm IV, V, VI.
Từ khi diễn ra hoạt động khai mỏ, các loài chim, thú như sóc bay, chồn, cáo, lợn rừng, trăn, rắn hổ mang chúa, thằn lằn, chào mào, gáy, sáo, cú, quạ, bìm bịp, gà rừng ít gặp hơn trước. Hoạt động khai thác khoáng sản cũng làm suy giảm các loại cây thực phẩm và cây thuốc quý trong rừng như nấm đất, thảo quả, óc chó, sa nhân, gừng, nghệ, lá khôi, kim tuyến, lá cây làm men rượu. Việc chặt hạ cây rừng đầu nguồn, cùng với sử dụng lượng nước quá lớn từ suối Lũng Vầy phục vụ tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Độ đục của nước suối Lũng Vầy quá lớn làm biến mất một số loài thủy sinh như tôm càng xanh, cua, cá, ếch, đặc biệt loại cá Sứt mũi và cá Anh vũ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, chưa có sự công bằng trong việc phân chia các lợi ích từ hoạt động khai thác khoáng sản. Hoạt động sản xuất, đời sống cộng đồng người dân địa phương, đặc biệt ở các thôn có hoạt động khai thác khoáng sản, dọc hai bên đường vận chuyển quặng bị chịu tác động không nhỏ, mất đất sản xuất, mất rừng, sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi nước thải, chất thải và khí bụi.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, các doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, tích cực trồng cây xanh quanh khu vực khai thác, dọc các tuyến đường từ trung tâm xã qua thôn Khuổi Kẹn, tích cực hỗ trợ địa phương trong phát triển KT-XH. Việc giám sát các hoạt động của doanh nghiệp cần thiết phải được tiến hành bởi cộng đồng và chính quyền địa phương. Nhóm cũng kiến nghị UBND tỉnh cần phải có cơ chế xác định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của doanh nghiệp khai thác khoáng sản cùng với Nhà nước thực hiện khắc phục, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, trao đổi những nội dung liên quan đến kết quả nhận xét, đánh giá của nhóm nghiên cứu.