ThienNhien.Net – Phú Thọ là địa phương còn nhiều khu vực có khoáng sản nhưng chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng. Nhiều năm trước, những khu vực này được coi là những “miếng mồi ngon” của dân thổ phỉ vào đào bới, khai thác khoáng sản trái phép. 2 năm trở lại đây, với sự “mạnh tay”, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình trạng khai thác trái phép lộn xộn, tràn lan từng gây bức xúc trong dư luận đến nay cơ bản đã chấm dứt.
Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, giáp huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình, huyện Tân Sơn thuộc vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh Phú Thọ. Khu vực này đất đai chủ yếu là đồi rừng với các mỏ sắt ước trữ lượng lớn nhưng chưa được cơ quan chức năng tiến hành thăm dò đánh giá. Do đó, thời gian dài nơi đây đã xuất hiện tình trạng khai thác quặng sắt trái phép mà hậu quả là hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, một khối lượng không nhỏ tài nguyên đã bị thất thoát. Hiện nay trên các tỉnh lộ, đường liên xã để dẫn lên các xã như Thượng Cửu, Tân Minh, Đông Cửu… người tham gia giao thông không khỏi kinh hoàng vì sự xuống cấp trầm trọng của các con đường liên xã. Tất cả “tàn dư” này bất cứ một người dân nào quanh khu vực cũng biết vì “xe chở quặng phá!”.
Bà Trần Thị Nhung, người dân xóm 5 xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn cho biết, trước đây khi lực lượng cơ quan chức năng chưa vào cuộc, mỗi ngày có hàng chục xe chở quặng sắt chạy suốt đêm ầm ầm khiến không ai ngủ được. Việc khai thác tràn lan còn làm mất đất canh tác, môi trường thì ô nhiễm. Cực chẳng đã, người dân nơi đây phải cất công leo núi, leo đồi gửi đơn tới các cơ quan chức năng. Năm 2013, lực lượng chức năng tỉnh vào cuộc và phải mất thời gian khá dài mới xử lý triệt để được vấn nạn khai thác quặng sắt trái phép, trả lại môi trường yên ả cho người dân.
Trao đổi về khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương, Đại tá Ngô Quý Thiệu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra môi trường, Công an tỉnh Phú Thọ cho hay: Thời gian qua hoạt động quản lý khoáng sản của nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ rất lỏng lẻo. Chính quyền địa phương coi đây là việc của ngành TN&MT và cấp trên; các vụ việc diễn ra vi phạm chỉ được phát hiện, xử lý khi quy mô lớn, thậm chí nghiêm trọng. Đây là kẽ hở trong công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, buôn bán khoáng sản cần chấn chỉnh. Từ chuyện khai thác khoáng sản trái phép ở nhiều địa bàn cho thấy công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành lỏng lẻo. Khi xuất hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chính quyền cơ sở mới vào cuộc một cách thụ động.
Vấn đề nữa là trách nhiệm phối hợp quản lý các cấp, các ngành. Mặc dù nhiều năm nay hoạt động thăm dò đã diễn ra, việc xác định quy mô các điểm mỏ đã có, nhưng cơ bản đều không thông báo, giao trách nhiệm quản lý, sự phân cấp, trách nhiệm giữa ngành với cấp không rõ.
Cũng theo Đại tá Ngô Quý Thiệu, trong thời gian tới để quản lý bảo vệ được khoáng sản chưa khai thác, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là những địa bàn có mỏ, quặng cho người dân hiểu rõ không vi phạm, trách nhiệm cho chính quyền cơ sở để biết có kế hoạch quản lý.
Đến nay, dù trên địa bàn chưa thăm dò, xác định trữ lượng hết các mỏ quặng khoáng sản, nhưng về cơ bản đều xác định những nơi có quặng, do vậy ngành cần thông báo đến chính quyền cơ sở có kế hoạch phối hợp quản lý. Về lâu dài cần triển khai thăm dò tổng thể, có quy hoạch phát triển, tránh vi phạm khai thác trái phép, cấp đất sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình vào những khu vực có mỏ quặng.