ThienNhien.Net – Hơn chục năm miệt mài với đất rừng, nương rẫy trong hoàn cảnh chạy miếng ăn hàng ngày; đến hôm nay, Vì Văn Hạnh đã có cả một diện tích rừng xanh ngút ngàn với hàng ngàn cây xoan đào, cây keo lai và những giống gỗ tốt khác.
Trên khuôn mặt đen sạm nắng gió sau bao năm vật lộn với nương rẫy, đôi mắt của Vì Văn Hạnh ánh lên niềm hạnh phúc. “So lên thì cũng chưa bằng ai. Nhưng nhìn xuống thì thấy mình cũng đã có cuộc sống tương đối. Tuy còn phải cố gắng nhiều nhưng kết quả hôm nay đã khẳng định với mọi người là tôi nghĩ đúng và làm đúng” – anh Hạnh đang nói về những tháng ngày cách đây khoảng mươi năm trước, khi anh quyết tâm chuyển đổi sản xuất, nhận 6ha đất rừng khoanh nuôi, bảo vệ và gắn với phát triển gia súc, gia cầm hàng hóa.
Bản Lùn là nơi cư trú của 152 hộ đồng bào Thái, thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). Đây là địa bàn nhiều khó khăn về phát triển nông nghiệp nhưng cư dân lại sống thuần nông. Bao năm trăn trở với đói, nghèo; khi Nhà nước có chủ trương giao đất lâm nghiệp cho dân, anh Hạnh mạnh dạn đăng ký nhận đất, trong khi nhiều hộ khác ngập ngừng bởi “rừng đã cạn kiệt, toàn núi đá, lấy gì mà sống?”. Nhưng anh Hạnh nghĩ khác: Làm nông nghiệp thì phải có nhiều đất. Rừng hôm nay nghèo nhưng toàn là cây bản địa nên nếu khoanh nuôi, bảo vệ tốt thì cây sẽ tái sinh rất nhanh. Trước mắt, chân đồi sẽ là nơi lý tưởng để canh tác thêm cây ngô, sắn và chăn thả gia súc.
Hơn chục năm miệt mài với đất rừng, nương rẫy trong hoàn cảnh chạy miếng ăn hàng ngày; đến hôm nay, Vì Văn Hạnh đã có cả một diện tích rừng xanh ngút ngàn với hàng ngàn cây xoan đào, cây keo lai và những giống gỗ tốt khác. Vùng chân núi với lợi thế đồng cỏ, đã cho anh điều kiện chăn nuôi tới gần 20 con trâu, bò và nhiều dê, lợn. Hạnh còn khai thác nguồn nước trên núi dẫn về để mở rộng được 2.700m2 ruộng lúa nước và đảm bảo độ ẩm cho 3 ha ngô. “Bây giờ thu nhập mỗi năm của tôi đạt trên 200 triệu đồng.” – anh Hạnh vui vẻ bảo vậy.
Thành công trong chuyển đổi sản xuất của anh đã thuyết phục nhiều hộ khác học và làm theo. Anh Hạnh cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người cùng làm để “cả bản cùng giàu, cùng vui”. Nhờ những thành công và tâm huyết đó, anh Hạnh đã được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản trong nhiều năm và trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh Sơn La trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.