ThienNhien.Net – Phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam trong 24 năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học về sự thành công, thu được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít bất cập và khó khăn. Thực tế phát triển các khu này đang đặt ra nhiều thách thức mới…
Báo động về ô nhiễm môi trường
Khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng đã được tỉnh Lào Cai coi là “biểu tượng” của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa địa phương. KCN này đã giải quyết được khá nhiều lao động và có đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh. Thế nhưng, do quy hoạch chắp vá theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên kể từ khi hình thành cho đến nay, Tằng Loỏng vẫn đang là điểm “nóng” về gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy trong KCN này trước khi xây dựng đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chất lượng lập và thẩm định các báo cáo chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, công nghệ sản xuất hóa chất, luyện kim tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng hầu hết đều dùng công nghệ tương đối lạc hậu, nên ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.
Tình trạng KCN, KKT gây ô nhiễm môi trường như Tằng Loỏng không phải là cá biệt. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường ở các KCN, KKT ở nước ta hiện nay, chủ yếu là do sự ô nhiễm từ môi trường nước, không khí, từ chất thải rắn là chủ yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.
Đất trong KCN, KKT để hoang hóa còn lớn
Nếu ai có dịp đi qua Quốc lộ 5 (Hà Nội-Hải Phòng) sẽ thấy bên đường có khá nhiều KCN, nhưng diện tích đất để cỏ hoang mọc trong các KCN này khá lớn.
Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KCN, KKT lần thứ 5 diễn ra mới đây do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, một danh sách với hàng loạt KCN kém hiệu quả, trong diện “báo động” đã được nhắc tới. Đặc biệt, có một số KCN hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang KCN.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân của cả nước chỉ vào khoảng 65%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém thì việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn. Trước năm 2009, các KCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn; thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho doanh nghiệp. Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng e ngại về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan.
Thiếu nhà ở cho công nhân
Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 2,4 triệu lao động làm việc tại các KCN, KKT thì có đến hơn 70% là lao động ngoại tỉnh đến từ các vùng nông thôn dẫn đến sức ép về nhà ở, quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN, KKT rất cao.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động trong các KCN, KKT có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN, KKT trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm.
Hiện TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ mới giải quyết được khoảng 10% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhà trọ xung quanh các KCN của Đồng Nai, Bình Dương có những phòng chỉ rộng 12m2. Điều kiện vệ sinh ở các khu nhà trọ thiếu thốn, đơn điệu, cũ và xuống cấp. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của hai thành phố lớn nhất nước cũng đã có nhiều cố gắng để xây dựng nhà ở xã hội bán hoặc cho công nhân thuê, nhưng số lượng vẫn còn quá ít so với nhu cầu của công nhân trong các KCN, KKT.
Theo quy hoạch phát triển các KCN, KKT ở Việt Nam, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN, KKT đạt khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN, KKT cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Để đạt được mục tiêu này quả là thách thức rất lớn cho các địa phương có KCN, KKT.
Để góp phần giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN, KKT, tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, quy hoạch KKT, KCN phải đồng bộ và gắn với việc xây dựng khu đô thị mới.