ThienNhien.Net – Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ đạt 20,12% kế hoạch Đề án giao rừng, cho thuê rừng. Con số ít ỏi này đã phần nào nói lên thực trạng giao đất, giao rừng ở địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đáng chú ý là việc giao rừng nhưng không sản xuất hiệu quả.
Trồng rừng kém hiệu quả
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 – 2013 với tổng nguồn kinh phí gần 17 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2013 hoàn thành cơ bản việc giao, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh đến chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Thế nhưng đến nay, địa phương mới chỉ mới chỉ giao và cho thuê được gần 3.200ha, đạt 20,12 % kế hoạch Đề án giao rừng, cho thuê rừng.
Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ còn chậm và chưa hoàn thành. Trong đó, một số diện tích đất chưa được rà soát để giao hết cho người dân. Nhiều diện tích đất đã giao cho các ban quản lý rừng cơ sở và UBND các xã quản lý, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Doanh nghiệp được giao rừng và đất rừng với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh sử dụng không hiệu quả.
Chỉ tính riêng ở 2 huyện miền núi Ba Tơ và Trà Bồng, có đến 7 doanh nghiệp được giao hơn 20.300 ha rừng và đất rừng nhưng có gần 7.400 ha để đất hoang hóa và bị người dân chiếm dụng trái phép. Nguyên nhân là do hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả còn thấp hoặc không hiệu quả và không đủ năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả phần lớn đất đai. Ông Huỳnh Thương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay: Nhiều năm rồi, cây keo nguyên liệu có giá trị kinh tế khá cao nên người dân càng muốn trồng rừng. Trong khi đó, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất lại bỏ không hàng ngàn ha nên bà con bức xúc.
Về phía người dân, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, kiến thức kinh tế và kỹ thuật sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng đất của nhiều người dân chưa cao… Tình trạng người dân lấn chiếm, xâm chiếm đất đã giao cho các tổ chức và chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ, lấy đất sản xuất diễn ra khá phổ biến, nhưng chính quyền và cơ quan chức năng chưa có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Chấm dứt lãng phí đất
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng ở các địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng. Các địa phương miền núi vẫn chưa kiểm soát được việc sử dụng đất trái mục đích, không ngăn chặn kịp thời tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại đất đai trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có xu hướng gia tăng. Ông Đỗ Văn Cường, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban dân tộc HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện 2 huyện Ba Tơ và Trà Bồng có hơn 3.200 hộ thiếu đất sản xuất, trong khi vẫn còn hơn 3.000 ha đất đã thu hồi của các tổ chức, doanh nghiệp chưa được bàn giao cho các hộ nghèo thiếu đất.
Trong khi đó, vai trò tham mưu, quản lý Nhà nước của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT trong công tác giao đất, giao rừng chưa thật sự tốt. Còn các huyện miền núi như Ba Tơ, Trà Bồng chưa thường xuyên chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, về giao đất, giao rừng, quản lý bảo vệ rừng và cấp giấy CNQSDĐ.
Thực tế đất lâm nghiệp giao cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp để trồng rừng nhưng bị bỏ hoang, trong khi đó người dân lại thiếu đất để trồng đang diễn ra tại nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, gây lãng phí đất rừng. Tình hình trên đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và bảo vệ phát triển rừng ở miền núi thật sự hiệu quả. Các cấp, ngành nâng cao trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý đất đai và bảo vệ phát triển rừng. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, thanh tra về quản lý sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng.
Vừa qua, ông Lê Viết Chữ – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng tiếp tục kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhưng sử dụng không hiệu quả hoặc để người dân lấn chiếm; trên cơ sở đó đề xuất thu hồi để giao lại cho địa phương lập phương án giao rừng và đất lâm nghiệp theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện khẩn trương lập phương án giao phần diện tích đất này cho hộ nghèo trên địa bàn thiếu đất sản xuất. Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Ba Tơ kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai. Trên cơ sở đó, có ý kiến tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thu hồi diện tích đất đã giao nhưng Công ty không sử dụng (2.514,88 ha).