ThienNhien.Net – Cư dân ở ngôi làng nhỏ Fanalei thuộc quần đảo Solomon đã giết hơn 1.600 chú cá heo trong năm 2013 để lấy răng. Số liệu trên do các nhà nghiên cứu môi trường công bố trên tạp chí khoa học Royal Society ngày 6/5.
Số liệu thống kê từ năm 1976-2013 cho thấy có hơn 15.400 chú cá heo đã bị giết để lấy răng. Và bất chấp nỗ lực của các nhà môi trường nhằm ngăn chặn tình trạng này, giá địa phương của mỗi chiếc răng cá heo vẫn tăng từ 14 cent Mỹ trong năm 2004 lên khoảng 70 cent Mỹ trong năm 2013.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo giá răng cá heo tăng đã “kích thích” hoạt động đánh bắt, khiến càng nhiều cá heo bị giết hại. Thực trạng này cho thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát hoạt động đánh bắt và giết hại loại động vật quý này tại quần đảo Salomon.
Quần đảo Solomon, đặc biệt là đảo Malaita nơi có ngôi làng Fanalei, vốn có lịch sử đánh bắt cá heo lâu đời. Theo kinh nghiệm lâu năm, các nhóm đánh bắt thường sử dụng từ 20-30 canô để dồn các bầy cá heo từ vùng nước sâu ven biển, khiến chúng va vào các vách đá dưới mặt nước và tạo ra những âm thanh hỗn loạn và khiến các loài cá heo không thể thoát ra được.
Trên khắp quần đảo Solomon, răng của cá heo được sử dụng như một công cụ trao đổi hàng hóa, làm đồ trang sức và cũng được bán để lấy tiền. Trong khi đó, thịt cá heo được tiêu thụ trong làng hoặc bán sang các đảo khác.
Theo nhóm nghiên cứu, việc săn bắn cá heo lâu đời tại làng Fanalei dường như đã dừng lại vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, có thể do sự xuất hiện của Đạo Cơ đốc tại đây.
Tuy nhiên, hoạt động này lại được khôi phục vào năm 1948 và đến giữa những năm thập niên 60 thì có tới hàng nghìn con cá heo bị giết mỗi năm.
Trong những năm gần đây, cư dân làng Fanalei cũng đã đánh bắt cá heo sống để bán cho các công viên hải dương học.