ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đang là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân do hệ thống thiết bị máy móc xử lý nước thải và lò đốt chất thải lây nhiễm đã bị xuống cấp, đầu tư không đồng bộ.
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La thải ra môi trường khoảng 1,5 tấn chất thải sinh hoạt, 35kg chất thải tái chế và 85 kg chất thải rắn lây nhiễm.
Đầu tháng 12/2014, Bệnh viện đã được trang cấp 1 lò đốt chất rắn với công suất 50kg/mẻ. Mỗi ngày có khoảng 200kg chất thải rắn được đưa vào lò xử lý. Tuy nhiên, tại thời điểm này lò đốt chất rắn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đang bị hỏng và phải dừng hoạt động từ đầu tháng 4/2015. Hàng ngày, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện phải tự vận chuyển khoảng 70% lượng chất thải lây nhiễm tới Trung tâm Giáo dục Lao động tỉnh và Trung tâm Phòng, chống HIV – AISD để đốt nhờ. 30% chất thải lây nhiễm còn lại được nhân viên của Bệnh viện đốt thủ công.
Bên cạnh đó, Bệnh viện phát sinh khoảng 220m3 nước thải mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 45% lượng nước thải được đưa qua hệ thống xử lý, số còn lại rò rỉ ra môi trường.
Qua tìm hiểu được biết, có thời điểm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để chất thải y tế tồn lưu lên đến gần 3 tấn. Trong đó, chất thải tái chế chiếm khoảng 600kg, số còn lại là chất thải nguy hại. Bệnh viện đã xử lý bằng cách đưa vào trong kho khoảng 1 tấn chất thải nguy hại, số còn lại để ngoài trời lấy bạt che.
Hiện nay, khó khăn chung của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cũng như toàn bộ bệnh viện các tuyến huyện trong khâu xử lý chất thải môi trường là thiếu nguồn kinh phí đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị xử lý các chất thải y tế. Việc vận hành, bảo dưỡng đối với các hệ thống máy móc đã được đầu tư cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh đã có chủ trương mua sắm thiết bị xử lý chất thải cho bệnh viện trong thời gian tới. Trước mắt, chúng tôi vẫn phải khắc phục bằng cách vận chuyển 70% lượng chất thải lây nhiễm tới Trung tâm Phòng, chống HIV – AISD để xử lý. Đặc biệt là các chất thải sắc nhọn, chất thải giải phẫu và các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong thời gian gần nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La rất cần được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế bệnh viện.