ThienNhien.Net – Nếu cơ quan chức năng đổ lỗi cho khách quan và chối bỏ trách nhiệm, không biết đến bao giờ vấn đề khai thác cát ở Tây Nguyên mới thôi nóng bỏng.
Như đã phản ánh trong 2 bài trước, ở Tây Nguyên, vấn đề lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác cát đã được đặt ra từ nhiều năm rồi và hiện nay vẫn đang là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng ở địa phương cứ đổ lỗi cho khách quan thì chưa biết đến bao giờ điều đó mới được thực hiện, trong khi luật đã có, các văn bản hướng dẫn đã được bổ sung đầy đủ. Chúng tôi sẽ phản ánh trong bài cuối của loạt bài này.
Trong các tỉnh Tây Nguyên, vấn đề khai thác cát nóng bỏng nhất là ở Gia Lai. Đã 3 năm nay, với lý do “vướng các quy định trong Luật Khoáng sản”, tỉnh không cấp phép cho doanh nghiệp nào. Thế nhưng, dù không được cấp phép, hoạt động khai thác vẫn diễn ra, cát vẫn được bán công khai tại các cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng trong toàn tỉnh. Theo Luật Khoáng sản 2010, chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm về vấn đề này, thế nhưng, với nhiều lý do, suốt từ năm 2011 đến 2014, hầu như không có trường hợp nào bị các huyện xử lý.
Ông Lê Xuân Dũng – Phó Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Chư Păh lý giải rằng, do hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra tinh vi: “Các đối tượng khai thác tìm mọi cách để đối phó. Ví dụ vào thời điểm khuya 1-2 giờ sáng, hoặc là sáng sớm, thời điểm không phải giờ hành chính, hoặc thời điểm công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Hoặc là việc khai thác người ta dùng phương tiện cơ động, khai thác mà nghe có động tĩnh thì rút ngay, mà nguyên tắc muốn xử lý thì phải bắt quả tang tại chỗ”.
Còn ông Mai Chí Toan, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Thiện lại nói rằng, đó là do nhu cầu xây dựng trong huyện quá cấp bách: “Huyện Phú Thiện mới thành lập, tất cả các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện rất nhiều, cái này rất khó cho huyện. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện gửi UBND tỉnh xin đề nghị cấp phép để giải quyết các vấn đề xây dựng dân dụng. Nhưng đến nay tỉnh chưa giải quyết. Rất khó khăn cho chúng tôi, nên các nói gì thì nói, hết sức thông cảm cho địa phương. Xây một cái nhà cũng phải dùng đến cát, xây một công trình rất nhỏ cũng phải dùng đến cát!”.
Với các lý do như vừa nêu, ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát ở Gia Lai suốt 3 năm qua bị thất thu gần như toàn bộ. Trong khi đó, các doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận, hoạt động khai thác cát càng được kích thích nở rộ, phát sinh nhiều hậu quả khó lường đối với sản xuất và môi trường.
Đổ lỗi cho khách quan cũng là điều tương tự xảy ra tại Đắk Lắk. Toàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên các sông suối. Các doanh nghiệp này sử dụng 265 tàu, công suất trung bình 25 đến 30 m3/1 chuyến. Cùng với đội tàu này còn có rất nhiều tàu hút cát lậu, trà trộn để khai thác trái phép. Thế nhưng, việc ngăn chặn tàu hút cát lậu không dễ dàng, vì 2 loại tàu vừa nêu đều không đăng ký, đăng kiểm, không biển số, biển hiệu.
Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk giải thích: “Đơn vị đã rất cố gắng làm thủ tục cấp đăng ký cho các tàu hút cát, nhưng tinh thần chấp hành pháp luật của các chủ tàu kém, dẫn đến việc cấp đăng ký bị đình trệ. Đăng ký thì nó đi liền với thuế trước bạ, giống như các loại phương tiện khác. Bởi vì động đến tiền. Trước đây cứ thế là ra hút, không ai quản lý, không phải nộp gì. Nay đi vào khuôn khổ, lập tức động đến tiền bạc là chững lại, không chấp hành”.
Với nhiều tàu hút cát không đăng ký đăng kiểm, lẽ ra lực lượng Cảnh sát đường thuỷ Đắk Lắk có rất nhiều việc để làm. Thế nhưng thực tế không như vậy. Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, cả năm 2014, toàn lực lượng chỉ xử lý 21 vụ, đều là các hộ khai thác nhỏ lẻ, phạt 200 triệu đồng, tịch thu một thuyền vỏ sắt loại nhỏ.
Theo Đại tá Thắng, các tàu hút cát đều cồng kềnh, mà tỉnh thì không có bến bãi phù hợp, nên các đơn vị trong ngành khó thực hiện việc tạm giữ phương tiện. Việc xử lý mạnh tay hơn như tịch thu lại càng khó, do thiếu quy định chặt chẽ: “Hiện nay, thế nào là vi phạm nghiêm trọng, thế nào là không nghiêm trọng thì không có quy định. Thế thì nó liên quan đến xử lý. Không có hướng dẫn thì anh em không dám thực hiện. Lỡ như mình cho là nghiêm trọng mà người ta kiện, thì không khéo mình lại thua”.
Không chỉ ở Đắk Lắk và Gia Lai, tình hình tại các địa phương khác ở Tây Nguyên cũng vậy và cũng giống nhau ở chỗ đều đổ lỗi cho khách quan, đổ cho những văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trước năm 2010, Luật Khoáng sản còn nhiều bất cập thì dễ viện lý do. Đến khi Luật Khoáng sản 2010 có rồi thì nói là chưa có Nghị định. Đến năm 2012, có Nghị định rồi lại nói rằng chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện. Song, từ cuối tháng 10 năm ngoái, dù chậm, văn bản này đã được bổ sung đầy đủ, nên vấn đề hiện nay chỉ còn nằm ở chỗ trách nhiệm thực thi của cơ quan chức năng ở các địa phương.
Người dân Tây Nguyên, nhất là những người sinh sống, sản xuất ven sông đang trông đợi cơ quan chức năng đánh giá trữ lượng các mỏ cát, tiến hành việc đấu giá quyền khai thác, cấp phép và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cũng như quản lý các phương tiện vận chuyển cát.
Đó là những việc cần làm ngay và làm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao, mới dần dần chấn chỉnh được hoạt động này; tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cát dưới sông uy hiếp người dân trên bờ, gây hại cho sản xuất và môi trường; chấm dứt tình trạng xe chở cát quá tải tàn phá đường giao thông, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.
Nếu cứ đổ lỗi cho khách quan như đã phản ánh, không biết đến bao giờ vấn đề khai thác cát ở Tây Nguyên mới thôi nóng bỏng!