Dưới sông tàu hút cát nghênh ngang, trên đường xe quá tải hoành hành
ThienNhien.Net – Nếu như dưới sông, các tàu hút cát tự do nghênh ngang hoạt động, thì trên bờ, xe chở cát quá tải hoành hành ngày đêm.
Trong bài 1, chúng tôi đã đề cập tình trạng khai thác cát trái phép ở Tây Nguyên gây biến đổi dòng chảy, làm cạn kiệt nhiều đoạn sông, con suối, làm sạt lở hàng ngàn ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của người dân. Trong bài 2, chúng tôi tiếp tục đề cập những hậu quả của việc buông lỏng quản lý đối với hoạt động khai thác cát và phương tiện vận chuyển loại vật liệu này, dẫn đến tình trạng “Dưới sông tàu hút cát nghênh ngang – trên đường xe quá tải hoành hành”.
Sông Krông Nô đoạn chảy qua huyện Krông Ana, được đánh giá là mỏ cát lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với 8 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Khoảng 100 tàu khai thác ngày đêm xuôi ngược hút xả, khiến con sông này bây giờ sâu hàng chục mét, có đoạn rộng gần cây số.
Một số chứng tích là hàng cây, giếng nước của các hộ dân phía bên tỉnh Đắk Nông, giờ chuyển sang giáp bờ phía tỉnh Đắk Lắk. Các trụ điện khu vực bờ sông xã Bình Hoà, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã phải nhiều lần phải dịch chuyển vì cát lở đến chân. Theo Luật khoáng sản, Uỷ ban nhân dân huyện Krông Ana chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề mà các tàu hút cát gây ra, nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường, địa phương “lực bất tòng tâm”, vì tất cả các tàu đều không đăng ký, đăng kiểm, không biển số, biển hiệu.
“Hiện nay, chúng tôi hết sức khó khăn vì không biết thuyền của ai. Trước đó nó còn có biển là Trung Thiện, Quyết Thắng… Hiện nay thì tất cả các thuyền trên sông không có biển số hay biển hiệu. Chúng tôi hỏi thì họ nói là hết hạn, đăng ký với Sở Giao thông chưa cấp cho nên là cũng chưa biết làm thế nào cả” – ông Cương nói.
Nếu như dưới sông, các tàu hút cát tự do nghênh ngang hoạt động, thì trên bờ, xe chở cát quá tải hoành hành ngày đêm phá nát nhiều công trình giao thông. Ông Lê Viết Nhượng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vụ Bổn, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ban đầu, trục đường chính của xã được đầu tư trải nhựa bán thâm nhập, nhưng nhanh chóng bị xe chở cát phá nát. Tiếp đó đầu tư hàng chục tỷ đồng để thảm bê tông nhựa nóng, nhưng vẫn bị tàn phá. Cây cầu bắc qua sông Krông Buk, nối xã Vụ Bổn với xã Ea Phê năm lần bảy lượt bị sập; đoạn đường nối ra xã Ea Kly cũng nát tan vì xe chở cát. Hiện nay, 7 km trên tuyến đường chính chạy dọc xã Vụ Bổn được thay bằng đường bê-tông theo chương trình xây dựng nông thôn mới, song có nguy cơ cùng chung số phận.
Ông Lê Viết Nhượng cho biết: “Bây giờ cứ ở đâu có khai thác cát là ở đó sông suối bị sạt lở. Ở đâu có khai thác cát là ở đó có đường giao thông bị hỏng. Cứ với đà xe quá tải đi như thế này thì chắc chắn con đường bê tông ấy cũng bị hỏng. Xã đã có ý kiến lên chỗ Uỷ ban huyện và các phòng ban chức năng, nhưng đến giờ thì xe quá tải vẫn rất là nhiều”.
Xe chở cát quá tải không chỉ khiến cấp xã như Vụ Bổn cầu cứu cấp trên. Mới đây, huyện Chư Quynh cũng đã phải gửi công văn đề nghị tỉnh Đắk Lắk và Công an can thiệp, xử lý các xe chở cát quá tải qua địa bàn. Huyện bức xúc vì đã nhiều năm rồi, quốc lộ 27 qua đây mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở cát quá tải. Còn cầu Giang Sơn, cây cầu thép kiên cố bắc qua sông Krông Ana hiện có nhiều dầm cầu võng xuống, mố cầu hai đầu bị nứt vỡ. Mỗi lần xe chở cát quá tải chạy qua, cả cây cầu rung lắc, chao đảo.
Để bảo vệ cầu Giang Sơn, ngành chức năng đã cắm biển báo “Cầu yếu-xe 20 tấn qua cầu từng chiếc một”, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp dời bãi tập kết cát ra xa chân cầu trên 200m. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những biển báo và yêu cầu di dời đều không được doanh nghiệp và lái xe chấp hành.
Ông Dư Trường Sơn, Phó Trưởng Công an xã Hoà Hiệp, huyện Chư Quynh cho biết: “Thời gian đầu xuống thì họ chấp hành, nhưng sau thấy im im thì người ta lại đổ ra. Có một số thì người ta ý kiến như thế này: Chúng tôi chỉ là những người hút cát và bán cát, mà các anh lại nói chúng tôi làm hư chân cầu, bắt chúng tôi dời ra một khoảng cách xa như vậy. Thế thì chúng tôi hỏi các anh, tại sao những xe sáu, bảy chục tấn đi trên cầu kia thì các anh lại không cấm? Đấy, nó lại cứ chồng chéo như vậy ấy chứ”.
Cũng như ở Đắk Lắk và Đắk Nông, đa số tàu hút cát trên các sông ở Gia Lai, Kon Tum hay Lâm Đồng lâu nay đều không đăng ký, đăng kiểm, tự do tàn phá các con sông. Trên bờ, nhiều tuyến đường xe chở cát quá tải ngày đêm xuôi ngược. Nghiêm trọng hơn là ngoài vi phạm về Luật giao thông đường bộ, đường thuỷ, ở nhiều nơi, các tàu hút cát và ô tô chở cát còn vi phạm vì đã khai thác, vận chuyển khoáng sản bất hợp pháp.
Bởi, theo ông Lương Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Gia Lai, suốt 3 năm qua, tỉnh không cấp phép khai thác cát cho doanh nghiệp nào: “Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực là việc cấp phép khai thác khoáng sản bị ngừng trệ. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có một mỏ cát nào được phép hoạt động theo đúng quy định của Luật. Tất cả các mỏ cát mà dân đang làm là khai thác chui, theo đúng quy định là phải tịch thu những sản phẩm khai thác chui đó”.
Có thể nói, ở Tây Nguyên nhiều năm qua, nơi nào có mỏ cát là nơi đó có tàu khai thác không đăng ký, đăng kiểm, khai thác trái phép với các mức độ khác nhau. Trên những con đường từ bến cát tới nơi tiêu thụ thì ô tô quá tải hoành hành. Cho dù viện ra lí do nào thì cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, ban đầu chỉ nóng bỏng vào mùa khô – mùa xây dựng, nhưng bây giờ mùa mưa cũng không hạ nhiệt. Bao giờ trật tự mới được lập lại trong lĩnh vực này ở Tây Nguyên, đó là câu hỏi vẫn đang chờ các địa phương và ngành chức năng trả lời.
Bài 3: Khai thác cát ở Tây Nguyên, bao giờ thôi nóng bỏng?