ThienNhien.Net – Vì sao cơ sở nấu dầu thải độc hại Tùng Dương ở Bãi Hạ, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định này hoạt động trong một thời gian dài mà không có giấy phép? Trong khi người dân địa phương nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vẫn không được giải quyết thì vào đầu tháng 2.2015, lò nấu dầu thải này lại được cấp giấy phép hoạt động trước sự bức xúc của người dân địa phương. Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc tiếp tay của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đối với Công ty TNHH Tùng Dương?
Cơ quan chức năng ở đâu?
Qua tìm hiểu, sau khi đi vào hoạt động, mặc dù người dân đã nhiều lần ý kiến nhưng lò nấu dầu vẫn hoạt động bình thường. Trước đây, để mua sự im lặng của chính quyền địa phương, nhiều lần Công ty TNHH Tùng Dương đã tài trợ các hoạt động ở địa phương. “Nhiều lần họp hội cựu chiến binh, tôi đã nói thẳng, không có tiền thì thôi chứ không thể nhận những đồng tiền đó được, để môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến con cháu chúng ta. Từ đó, hội cựu chiến binh mới thôi không nhận những đồng tiền đó nữa”, ông Đỗ Khắc Cứ (73 tuổi, xóm 15) cho biết.
Theo lời ông Cứ, bố con ông Phạm Văn Tùng (60 tuổi, trú tại xóm Trại, Xã Lộc An, TP.Nam Định, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Dương, còn gọi là Tùng “dầu”) đã nhiều lần mang quà đến biếu những thương bệnh binh ở địa phương để lấy sự im lặng của dư luận. “Mới đây, một thương binh ở xóm 20 thẳng thắn nói “nó cho tôi 1 triệu chứ cả 100 triệu thì tôi cũng cứ phản đối””, ông Cứ nói.
Kể cả đội 8, xã Thành Lợi – đối diện bên kia sông Đào – do không thể chịu đựng được mùi của lò nấu dầu thải gây ra, nhiều lần đã có đơn gửi chính quyền địa phương. Biết chuyện, bố con ông Tùng “dầu” đã sang tài trợ cho các hoạt động ở địa phương để mua sự im lặng. Một cán bộ địa phương từng hứa trước dân sẽ đấu tranh để loại bỏ tình trạng ô nhiễm này nếu trúng cử nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sau khi trúng cử, vị cán bộ này đã “quên mất” lời hứa của mình trước nhân dân.
Như vậy, sau 7 năm đi vào hoạt động, dù không có giấy phép nhưng công ty này vẫn qua mặt hàng loạt cơ quan chức năng địa phương. Một nhân chứng đã cung cấp thông tin cho chúng tôi: “Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể biết được bởi ở trên mặt ao chỉ là nước bốc hơi từ lò nấu dầu thải được dẫn xuống. Còn những đường ống thải thực được chôn rất sâu, khoảng nửa thân người. Chính tôi đã từng làm thợ xây trong nhiều tháng ở đây tôi biết. Thời gian đó, có chú em ở Vũng Tàu về hỏi “anh đang làm gì đấy?”. Tôi nói đang làm ở lò nấu dầu thải, người em này kiên quyết bắt tôi nghỉ: “Anh mà làm đó thì sống chẳng lâu được đâu, em khuyên anh phải nghỉ ngay. Bây giờ, tôi mới thấy chú em nói đúng, quanh khu vực nhà tôi có tới 7 – 8 người chết vì ung thư chỉ trong thời gian ngắn”.
Nhân chứng này còn cho biết thêm: “Có thời điểm, tôi làm trong lò nấu dầu của ông Tùng, đang làm thì được ôtô xuống đón đi. Tưởng đi đâu hóa ra đến nhà ông ấy ở TP.Nam Định để chạy hàng – là những phi dầu được triết xuất sang can, hộp… Chắc là có đoàn kiểm tra”.
Chính quyền làm ngơ
Chúng tôi từng trao đổi với ông Lưu Văn Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Nam Trực – vào cuối năm 2014. Ông Dũng khẳng định, Công ty TNHH Tùng Dương có đầy đủ giấy phép hoạt động trong việc tái chế dầu thải độc hại. Thế nhưng, trên thực tế, sau thời gian đấu tranh của người dân địa phương, tới ngày 9.3 vừa qua, UBND xã Nghĩa An mới có công văn trả lời cho biết, ngày 10.2.2015, Công ty TNHH Tùng Dương đã có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục môi trường cấp lần đầu. Như vậy, có thể khẳng định, trong thời gian từ 8.2008 – 2.2015, Công ty TNHH Tùng Dương không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn hoạt động cả một thời gian dài vậy mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định không hề hay biết!?
Từ sự mâu thuẫn này, chúng tôi đã đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định – là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước ở cơ sở. Sau nhiều lần liên hệ, ông Đỗ Quang Trung – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Nam Định – đã yêu cầu hẹn lịch làm việc, nhưng sau đó cũng không thấy trả lời. Chúng tôi tiếp tục làm việc với UBND huyện Nam Trực. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Nguyễn Văn Sinh – Phó văn phòng huyện – từ chối trả lời và cho biết, các lãnh đạo đi vắng hết, không có ai ở nhà.
Sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được Thượng tá Hoàng Thọ Tùng – Trưởng phòng PC 49 Cảnh sát môi trường tỉnh Nam Định. Qua trao đổi, ông Tùng cho biết: “Cách đây mấy ngày, Công ty TNHH Tùng Dương đã mời các cơ quan chức năng đến giới thiệu giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại”. Khi được hỏi về việc từ năm 2008 đến trước thời điểm 2.2015, Công ty TNHH Tùng Dương có được phép hoạt động không, thì ông Tùng trả lời: “Chắc chắn là không”. Ông Tùng còn khẳng định, riêng với công ty này, Phòng Cảnh sát môi trường đã 4 lần lập biên bản xử phạt, lần cao nhất là 200 triệu đồng. Trước thời gian được cấp phép, Công ty TNHH Tùng Dương đang bị đình chỉ hoạt động.
Khi chúng tôi cung cấp tài liệu mà người dân địa phương đã gửi các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, ông Hoàng Thọ Tùng cho biết, nhiều lần làm việc với cán bộ địa phương, không thấy ai nói về việc này!? Đến nay, ông cũng chỉ nghe nói có một người làm đơn lên UBND tỉnh. Việc quản lý nhà nước thuộc về Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, còn bên Phòng Cảnh sát môi trường chỉ có chức năng kiểm tra và xử phạt.
Ai đã cấp giấy phép?
Như đã nói ở trên, đúng vào thời điểm người dân địa phương gõ cửa khắp các cơ quan chức năng kêu cứu (từ tháng 8.2013 đến nay), thậm chí là đơn kêu cứu khẩn cấp với chữ ký của hàng trăm hộ dân, cùng danh sách số người bị bệnh ung thư tăng đột biến, thì đột nhiên chính quyền địa phương công bố giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng Cục môi trường cấp lần đầu cho Công ty TNHH Tùng Dương. Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc. “Chúng tôi đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh giấy phép này, trong lúc cơ sở nấu dầu thải này đang bị đình chỉ hoạt động và đặc biệt là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa trả lời trước những bức xúc của dân”, ông Đoàn Văn Điều – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xóm 16 – cho biết.
Ông Điều còn cho biết thêm: “Cũng chỉ vì tương lai, cuộc sống sau này con cháu nên bất đắc dĩ tôi phải đứng ra làm người đại diện cho bà con đi gõ cửa các cơ quan chức năng. Thế nhưng, bản thân những người trong tổ cũng gặp phải những áp lực nhất định. Sau khi báo chí vào cuộc, bà nhà tôi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ cũng bị một đối tượng vào tận nhà hành hung. Đến đôi bò là tài sản lớn nhất trong gia đình cũng đột nhiên lăn ra chết. Tôi nghi là bị đánh bả…”.
Người dân địa phương đề nghị cơ quan chức năng cần xem lại quy trình cấp phép hoạt động quản lý chất thải nguy hại cho Công ty TNHH Tùng Dương của Tổng Cục môi trường khi chưa có sự đánh giá, phân tích tác động môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần truy cứu trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc lò nấu dầu thải độc hại này hoạt động 7 năm không phép.
Việc ô nhiễm môi trường là có thật, hàng loạt người dân đang đối mặt với bệnh tật hiểm nghèo nhất là bệnh nan y, viêm phế quản, tai mũi họng là cũng có thật. Vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định không thể làm ngơ trước tình trạng sức khỏe của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng chỉ vì lợi ích cá nhân hay tổ chức nào đó.