ThienNhien.Net – Bên cạnh việc giành giật đụng độ đổ máu, đã có hàng ngàn ha đất sản xuất của các hộ dân ven sông suối ở Tây Nguyên bị sạt lở, trôi theo dòng nước.
Ở Tây Nguyên, cùng với hạn hán mùa khô thì nhiều năm qua có một vấn đề nan giải không kém, đó là tình trạng khai thác cát trái phép gây biến đổi dòng chảy nhiều con sông, làm cạn kiệt nhiều con suối. Hoạt động này còn làm sạt lở hàng ngàn ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của người dân, nhiều công trình giao thông xuống cấp trầm trọng…
Vấn đề khai thác cát ở Tây Nguyên từ lâu đã nhức nhối, nóng bỏng trong mùa khô, nay cả mùa mưa cũng không hạ nhiệt. Luật đã có, các văn bản hướng dẫn đã được bổ sung đầy đủ, nhưng với thái độ đổ lỗi cho khách quan của các cơ quan chức năng ở các địa phương thì không biết đến bao giờ mới lập lại được trật tự trong lĩnh vực này?
Đề cập những vấn đề này, phóng viên VOV thường trú tại khu vực Tây Nguyên có loạt bài “Khai thác cát ở Tây Nguyên, bao giờ thôi nóng bỏng?”.
Bài 1: Hút hết cát sông, tấn công lên bờ
Sông Krông Nô, đoạn tiếp giáp 2 huyện Krông Nô – tỉnh Đắk Nông và huyện Krông Ana – tỉnh Đắk Lắk là nơi có mật độ tàu khai thác cát đông hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên. Nhiều thời điểm, đứng một chỗ trên bờ cũng có thể thấy hàng chục chiếc tàu máy nổ rền vang một vùng trời. Nước và cát hút lên xối xả tuôn vào khoang chứa, cát lắng lại trong lòng tàu, nước đục tràn ra làm đỏ ngầu cả khúc sông.
Bà Lưu Thị Lân, ở thôn 3, xã Buôn Chóa (Buôn Choáh) – huyện Krông Nô – tỉnh Đắk Nông cho biết, ban ngày các tàu này hút cát xa bờ, nhưng vào sáng sớm, tất cả đều ùa vào bờ hút cho ruộng vườn của bà con lở xuống sông. Chỉ mấy năm, gia đình bà Lân đã mất gần 1 ha đất sản xuất. Người trên tàu cát rất hung hãn, nên khi người dân ra đuổi thì bị truy đuổi ngược trở lại, có lần gây đổ máu. Ở thôn 3, người đã đổ máu vì đụng độ của với các tàu hút cát là anh Ngọc Văn Thức.
Anh Thức cho biết, có rất đông tàu cập bờ để đánh đuổi, làm anh bị ngất xỉu ngay từ đòn đầu tiên: “Tôi ra đó thì thấy rất nhiều thuyền. Tôi vừa ra thì bị họ đập phát xỉu, chẳng biết gì nữa. Sau được mọi người đưa lên xã, lâu sau mới tỉnh, rồi đưa đi bệnh viện”.
Vụ việc người dân thôn 3 bị các đối tượng trên tàu hút cát đuổi đánh đến đổ máu, dù đã xảy ra từ cuối năm 2013, nhưng vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân xã Buôn Choá, lo sợ nhất là những người có đất sản xuất ven sông Krông Nô. Cát dưới sông đã hút hết từ lâu, bây giờ các tàu cát tấn công lên bờ.
Chị Đỗ Thị Thu ở thôn 1 có 5 ha đất thì 2 ha đã bị sạt lở. Vòi to vòi nhỏ càng ngày càng cắm sâu vào bờ, hút hết cát dưới chân thì ruộng vườn nào chịu nổi. Biết đấu không lại các tàu hút cát, chị đành bán tống bán tháo diện tích còn lại rồi làm nhà ở trên triền đồi, tránh xa lòng sông.
Ông Vi Văn Thành, Trưởng thôn 1, nhà ở gần sông cho biết, trước đây, lòng sông rộng hơn 50m, nhưng nay có đoạn đã rộng đến 700 – 800m, làm mất hơn 100 ha đất sản xuất ở hai bên bờ. Hàng chục hộ dân dọc sông đã phải bán hết đất đai cho các chủ tàu hút cát vì không có sức để giữ.
“Riêng ở thôn này đã có 12 hộ phải bán đất cho các chủ tàu cát. Không bán, họ hút tới. Hút đến đâu, nước chảy đến đó, đất tự sụp xuống. Như ở đằng sau nhà tôi, họ bán có 11 triệu đồng một sào, trong khi đó giá thị trường là 30 triệu đồng. Mà bên tàu cát nó bảo: Bây giờ lấy tiền thì còn được tiền, không lấy tiền thì cuối cùng anh cũng mất, thì buộc phải lấy tiền thôi. Các công ty họ có trực tiếp khai thác đâu, họ thuê người ở những đâu ấy chứ, đụng cái nó đuổi bà con. Mình đâu làm gì được, chỉ động viên nó đi, nó không đi thì cắn răng chịu chứ làm sao” – ông Thành nói.
Buôn Chóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Phần lớn diện tích của xã được phủ kín bởi đá núi lửa, đang được tỉnh Đắk Nông đề nghị công nhận là “Công viên địa chất quốc gia”, nên sinh kế của người dân phụ thuộc vào dải đất ven sông Krông Nô. Vậy nên, việc khai thác cát kiểu này đã và đang hằng ngày đe doạ sản xuất, đời sống của người dân.
Tình hình tương tự có thể thấy với những mức độ khác nhau dọc các dòng sông của Tây Nguyên. Có thể kể tên các con sông Krông Ana, Krông Bông, Krông Pắc ở Đắk Lắk ; sông Ba, Sê San, Auyn ở Gia Lai; sông Đắc Bla, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông ở Kon Tum; sông Đồng Nai ở Lâm Đồng… Nhiều nơi sông vốn trong mát hiền hòa nay trở nên đục ngầu, dòng chảy biến đổi khó lường, mưa lũ về là sục sôi…
Vào mùa khô, nhiều đoạn sông cạn trơ đáy, càng thấy rõ thực trạng cát dưới lòng sông đã kiệt, muốn khai thác phải chọc hút vào bờ. Nghiêm trọng hơn, tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, việc khai thác cát làm sông đổi dòng xối thẳng vào đê bao Quảng Điền.
Ông Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, từng lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp khai thác cát cho biết: “Khai khai thác cát làm thay đổi dòng chảy, làm dòng chảy đánh mũi vào đấy miết thì các anh có biện pháp cùng với địa phương, cho dòng chảy quay lại để thông thoáng bình thường. Nếu cứ chảy vào thì chúng tôi ngại nhất là sạt đê bao, vì đã mấy trăm tỷ đồng đổ vào đấy. Mà cứ như vậy thì rất khó”.
Thực trạng nghiêm trọng như vậy nhưng nhiều năm qua, chưa tỉnh nào ở Tây Nguyên thống kê đầy đủ thiệt hại để có giải pháp chủ động xử lý, lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Chưa tính những vụ việc giành giật đụng độ đổ máu, chỉ tính về tài sản thì 5 – 7 năm trở lại đây đã có nhiều ngàn ha đất sản xuất của các hộ dân ven sông suối ở Tây Nguyên bị sạt lở, trôi theo dòng nước.
Không thống kê cũng ước tính được con số này căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ mỗi năm 20 – 30 triệu m3 cát xây dựng. Cộng thêm vào đó là thiệt hại về hoa màu, cây công nghiệp dài ngày và nhiều thiệt hại khác nữa mà có thống kê cũng không tính xuể.
Bài 2: Dưới sông tàu hút cát nghênh ngang, trên đường xe quá tải hoành hành.