ThienNhien.Net – Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là vùng đất trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gắn liền với bề dày 300 năm của TP Biên Hòa.
Hoang sơ cồn nhỏ
Cù lao xanh mát này là vùng đất sa bồi nằm giữa khúc quanh của con sông Đồng Nai và sông Cái (một nhánh nhỏ của sông Đồng Nai) – vùng sông sâu trước khi ra biển. UBND tỉnh Đồng Nai từng có ý định xây dựng nơi này thành một trung tâm thương mại hiện đại, kiểu Singapore thu nhỏ. Tuy nhiên, mới đây, ý định này thay đổi, chính quyền địa phương quyết định chuyển đổi quy hoạch, biến hòn đảo nhỏ này thành một khu dân cư sinh thái với những sản vật, kiến trúc cổ đặc trưng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những năm gần đây, Cù lao Phố có nhiều đổi thay theo nhịp phát triển chung của TP Biên Hòa. Nằm ở phía Đông Bắc Biên Hòa, cù lao nhỏ bé này bốn bề tiếp giáp các khu trung tâm đô thị: Một bên là trung tâm hành chính hiện tại của Biên Hòa; bên kia là KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2; phía khác là ngã tư Tân Vạn vừa hoàn thành cầu vượt nút giao thông quan trọng. Vì vậy, khi TP Biên Hòa phát triển, dù ban đầu giao thông còn cách trở vì bốn mặt đều là sông nhưng rồi các con đường sẽ được dẫn vào cù lao. Vài năm nay, lần lượt các cây cầu Bửu Hòa (bắc qua sông Đồng Nai), Hiệp Hòa (qua sông Cái) được khánh thành khiến khoảng cách giữa cù lao với thế giới bên ngoài được rút ngắn. Với người dân, từ khi có cầu Cái, khoảng cách “vừa thật gần vừa xa xôi” bị xóa bỏ, cù lao trở nên gần gũi, vùng đất tự hào một thuở dường như càng trở nên gắn bó hơn.
Từ khi cù lao được… “mở cửa”, con người và những giá trị văn hóa của miền đất này cũng được biết đến nhiều hơn. Trong khi TP Biên Hòa “ngập” dân tứ xứ thì tại cù lao vẫn là những nếp nhà, phong cách sống khoáng đạt mang đậm chất phương Nam. Ghé cù lao, người ta sẽ được chứng kiến những công trình kiến trúc bản địa cổ, các di tích lịch sử, tôn giáo như chùa Ông, đình Long Quới, đền thờ tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh… Lễ hội chùa Ông của người Hoa thường được tổ chức vào những ngày sau Tết Nguyên đán là một nét văn hóa đặc sắc của người dân trong vùng. Ngoài ra, cầu Ghềnh, cây cầu xây dựng từ thời Pháp, hiện vẫn còn sử dụng cho cả đường sắt và đường bộ là một nét chấm phá về cảnh quan được người dân gìn giữ. Sắp tới, cầu An Hảo (thay thế cho phà An Hảo tồn tại lâu đời) sẽ được xây dựng như một điểm nhấn cảnh quan kết nối với Ngã tư Vũng Tàu, Quốc lộ 1…
Kết nối là vậy nhưng Cù lao Phố vẫn giữ được nét hoang sơ. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau ít phút rời khỏi đô thị, đến đây, người ta lại chứng kiến người dân vẫn còn lưu giữ những căn nhà mái lá, mảnh ruộng thẳng cánh cò bay… “Chúng tôi muốn phát triển nhưng vẫn giữ được cái hồn của Cù lao Phố” – một người dân nơi đây nói.
Lá phổi xanh
Từ cuối năm 2005, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa thực hiện quy hoạch chi tiết Cù lao Phố. Khi đó, đơn vị này đã quy hoạch Cù lao Phố thành trung tâm thương mại lớn của Đồng Nai giống như một Singapore thu nhỏ.
Tuy nhiên, đến tháng 3-2015, Đồng Nai quyết định chuyển đổi quy hoạch. Cù lao Phố với tổng diện tích khoảng 695 ha, sắp tới được quy hoạch sẽ có 5 điểm nổi bật, gồm: Trung tâm văn hóa cấp vùng rộng 20 ha; công viên văn hóa sinh thái quy mô 200-220 ha; các điểm công trình kiến trúc bản địa, di tích lịch sử, văn hóa; trung tâm triển lãm, nhà hát; các dãy cây xanh sinh thái ven sông, các khu nhà ở hiện hữu xây mới với mật độ thấp mang đậm nét đặc trưng vùng đất này.
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, cho biết quá trình quy hoạch, xây dựng lại Cù lao Phố, TP Biên Hòa có chủ trương sẽ tái định cư tại chỗ cho những người dân mất đất và nhà ở trong những khu dân cư mới sẽ được quy hoạch với mật độ thấp. Còn theo ông Lý Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, quá trình xây dựng, quy hoạch, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các quần thể công trình cổ sẽ được chú trọng để giữ nét đặc trưng.
Tại cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, đã chỉ đạo UBND TP Biên Hòa và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển. “Phải xây dựng, phát triển vùng đất giàu chất văn hóa, lịch sử này mà vẫn giữ cái hồn của nó, trở thành một lá phổi xanh của TP” – ông Thái nhấn mạnh.
Gần 100 năm thịnh vượng
Cù lao Phố được khai phá vào giữa thế kỷ XVII bởi Trần Thượng Xuyên, một tổng binh người Hoa, vì không chịu làm tôi nhà Thanh nên được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng đất Biên Hòa. Một thời gian sau, nơi này thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp giao thương. Thịnh vượng được gần 100 năm, đến giữa thế kỷ XVIII, tại Cù lao Phố xảy ra một cuộc bạo loạn và vài chục năm sau lại phải hứng chịu hậu quả đao binh nặng nề giữa 2 nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò trung tâm thương mại Đàng Trong và suy tàn dần. Gần đây, Cù lao Phố được các nhà khoa học lên tiếng quan ngại là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu dự án lấp sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát được thực hiện. |
Bài và ảnh: Xuân Hoàng