ThienNhien.Net – Qua 40 năm hòa bình thống nhất, nông nghiệp Việt Nam đã làm nên những kỳ tích khiến thế giới phải thán phục. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi về tương lai lợi nhuận của nông dân nếu cứ tiếp tục cách làm cũ trong một thế giới hội nhập. Đó là nỗi trăn trở đau đáu của một người nặng lòng với nông nghiệp, nông dân- GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ).
Các số liệu thống kê cho thấy, sau 40 năm, sản lượng lúa miền Tây Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với 1975, thủy sản tăng vượt bậc, lợi tức nông dân cũng tăng từ 5-7 lần. Thế nhưng, đại bộ phận những người làm ra hạt lúa và con cá vẫn không có tích lũy, đến khi thu hoạch là phải lo bán ngay nông sản để thanh toán nợ nần. Năm nào cũng thế, khi lúa đầy đồng thì giá lúa lại rớt thê thảm khiến Nhà nước phải hỗ trợ lãi suất để mua lúa “tạm trữ” cho nông dân đỡ khổ. Nhiều nông dân đã thoát nghèo, nhưng vẫn còn đứng trên bờ cận nghèo, cứ gặp sự cố nhỏ thì rớt xuống vùng nghèo trở lại.
Nghị quyết số 26-NQ/TW (Khóa X) năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành cũng nhằm mục đích trả lời câu hỏi khó nói trên, nhưng việc thực hiện hoàn toàn không đơn giản.
Sự nghèo nàn của nông dân, trong một quốc gia luôn tự hào đánh thắng mọi thứ giặc nhưng vẫn chưa thắng giặc nghèo, xuất phát từ tiềm thức và tư duy của mọi thành phần có liên quan, từ bản thân người nông dân, đến các doanh nghiệp và cả Nhà nước.
Tư duy “lão nông tri điền” và hội chứng an ninh lương thực
Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản. Khi sản xuất, nông dân tự quyết định một cách phiêu lưu, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu. Tuy đã có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, nhưng chẳng mấy khi bên mua giữ đúng hợp đồng mà mạnh ai nấy bán, nấy mua.
Không chỉ các công ty và doanh nghiệp tư nhân, mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính, hiếm khi mua trực tiếp của nông dân. Nông dân được “hô hào” nên trồng lúa giống này, không được trồng giống kia… nhưng khi thu hoạch thì bán chẳng được, vì thế họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì, kỹ thuật nào để dễ bán, ít bị rủi ro nhất.
Đội quân thương lái đến tận ruộng vườn, ao cá, vuông tôm mua hàng của nông dân để sơ chế rồi bán lại cho doanh nghiệp, thế nên chất lượng không đồng đều, nguồn gốc không bảo đảm. Nhất là mặt hàng lúa gạo, trên cùng một cánh đồng có nhiều giống lúa, thương lái mua về rồi trộn chung lại để sơ chế, sau đó bán cho doanh nghiệp. Vì vậy, đến nay Việt Nam vẫn chưa có gạo thương hiệu mạnh.
Sự nghèo nàn của đa số nông dân ta không những vì Nhà nước và doanh nghiệp chưa làm tốt vai trò như đã nói trên đây, còn do chính bản thân người nông dân. Với kinh nghiệm “lão nông tri điền”, rất nhiều bà con nông dân không nghiêm túc tuân thủ qui trình GAP khi sản xuất. Thực tiễn cho thấy nông dân nào theo đúng qui trình GAP sản xuất lúa chỉ tốn 1.800-2.300 đồng/kg lúa trong khi nông dân làm theo kinh nghiệm của chính mình thì phải tốn ít nhất 3.500-3.800 đồng/kg lúa.
Mặt khác, nông dân ta vì học thức kém nên hay bắt chước người khác mà không tính toán kỹ lưỡng, thấy ai trồng gì bán được giá thì hùa nhau trồng theo, không biết thị trường như thế nào. Đến khi cung vượt quá cầu thì rớt giá, bán không được, phải chịu lỗ, nên càng nghèo thêm.
Một nguyên nhân quan trọng khác là tư duy về an ninh lương thực. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách an ninh lương thực đã đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn mới chấm dứt chiến tranh, cả nước thiếu thốn mọi thứ. Nhưng khi lương thực trở nên thặng dư và kỹ thuật sản xuất lương thực với khối lượng lớn trong thời gian ngắn đã trở thành một kỹ năng của mọi nông dân, việc duy trì chính sách an ninh lương thực một cách quá máy móc đã làm triệt tiêu những sáng kiến giúp nông dân có lợi tức cao, vì ai cũng nhận thức là trồng lương thực chỉ giúp “no cái bụng mà không làm nở túi tiền”.
Từ Quyết định của Thủ tướng, thử phác thảo một mô hình
Giữa năm 2013, Thủ tướng ban hành Quyết định 899 phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một quyết định rất phù hợp trước tình hình như đã phân tích ở trên.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp là thị trường đầu ra, sau đó là làm thế nào tổ chức sản xuất sản phẩm mà thị trường đang cần.
Nguyên tắc chung của một chương trình tái cấu trúc là phải kiểm soát được lượng cung của mỗi mặt hàng nông sản, qui hoạch vùng sản xuất mỗi loại nông sản đã xác định thị trường, có dây chuyền công nghệ chế biến tăng giá trị của thành phẩm đầu ra. Mục tiêu sau cùng là làm tăng giá trị sản phẩm và tăng lợi tức của nông dân. Tuy nhiên, chúng ta thường nghe và thấy nông dân tự phát “trồng rồi chặt” từ năm này sang năm khác. Cách làm ăn riêng lẻ, tự phát dường như không mấy thay đổi.
Nghị quyết 26 của Trung ương và Quyết định 899 của Thủ tướng tạo hành lang pháp lý để tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhưng ai là người đứng ra tổ chức? Vai trò đó phải là của các doanh nghiệp có tâm huyết và kỹ thuật chuyên môn kết hợp với chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.
Xin phân tích một thí dụ điển hình áp dụng Quyết định 899 tái cấu trúc vùng lúa đồng bằng sông Hồng để làm giàu cho nông dân miền Bắc.
Có thể phác họa như sau: Trong khi doanh nghiệp đi tìm thị trường, thì chúng ta rất mừng với tin Hoa Kỳ đã chấp nhận nhập vải thiều của Việt Nam. Những người có trách nhiệm phải làm gì?
Tại Việt Nam, vải thiều chỉ trồng được ở miền Bắc, và cũng chỉ trên một số vùng đất thích hợp nhất, quả vải mới có hương vị thơm ngon và hạt nhỏ. Ta đều biết trồng lúa ở miền Bắc chỉ đủ ăn, không mong gì làm giàu được. Vì vậy, đây là một dịp may để tái cấu trúc nông nghiệp đồng bằng sông Hồng một cách vững chắc.
Nhưng chúng ta không thể để cho mạnh ai nấy trồng vải thiều rồi thu hoạch ào ạt mấy ngày là xong như hiện nay. Bộ NN&PTNT cần qui hoạch lại các vùng đất ở miền Bắc thích hợp nhất với vải thiều, mạnh dạn chuyển trồng lúa sang trồng vải thiều trong những khu công nông nghiệp chế biến và bảo quản vải thiều.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu toàn bộ qui trình trồng vải thiều, từ sản xuất cây giống, trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu nước… đúng theo kỹ thuật nông nghiệp cao theo qui định của Bộ Nông nghiệp Mỹ để có được logo chứng nhận của cơ quan này.
Chính quyền địa phương vùng có qui hoạch khu công- nông nghiệp vải thiều sẽ tổ chức cho nông dân xây dựng lại đồng ruộng lúa của mình trở thành vườn vải thiều, nhân cây giống và tài liệu hướng dẫn canh tác. Mỗi khu do một doanh nghiệp tư nhân quản lý điều hành với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, được xây dựng và trang bị đầy đủ thiết bị đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ từ nhà máy sơ chế, khử khuẩn bám trên vỏ từng trái vải, bộ phận phục hồi màu đỏ vỏ trái vải, đến phòng sấy lạnh sơ khởi và phòng bảo quản dài hạn. Trong khi đó, bộ phận ngoại thương của khu công nông nghiệp sang Mỹ, nắm bắt các chuỗi siêu thị Mỹ, chuỗi siêu thị của người Mỹ gốc Việt để chào hàng và ký hợp đồng xuất khẩu.
Tương tự, chúng ta có thể đề cập đến những thí dụ khác về tái cấu trúc nông nghiệp tại các điều kiện sinh thái của từng vùng miền trong nước.
Tại ĐBSCL, hướng chuyển đổi cơ cấu có thể nhằm vào các loại trái cây nhiệt đới vốn đã được nhiều quốc gia phương Tây ưa thích. Rất mong các tỉnh miền Tây sớm xây dựng một số khu công nông nghiệp chế biến xoài, vú sữa, bưởi, chôm chôm, mãng cầu xiêm… đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tương lai nông nghiệp ĐBSCL
ĐBSCL qua 40 năm phát triển trong hòa bình đã góp phần cung cấp đầy đủ nguồn lương thực và thực phẩm cho cả nước, đưa nước ta đứng vào hàng thứ 2 các nước xuất khẩu gạo trong thế giới. Tuy nhiên cả nước vẫn công nhận ĐBSCL cũng là vùng trũng của cả nước về giáo dục, cấu trúc hạ tầng nông thôn và nhiều phương diện khác.
Trước thách thức của hội nhập, nhất là trong khu vực nông nghiệp, chúng ta có thể chọn những hướng đi tắt có thể nhanh hơn và vững chắc hơn. Chủ yếu là phát triển bền vững, theo khuynh hướng quốc tế tuyên bố trong Hội nghị toàn cầu về nông nghiệp bền vững tại Johannesburg năm 2002. Đó là khắc phục 3 thách thức lớn nhất đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam: Đổi mới giáo dục, thi hành chính sách vĩ mô và vi mô về pháp trị hữu hiệu, và đổi mới chính sách nông nghiệp.
Nhà nước phải tính đến vấn đề trợ nông và phải khéo léo bảo vệ quyền lợi của nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam trong các thương thuyết quốc tế (AEC, TPP…). Chúng ta nên nhìn kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan (TQ) để thiết kế kế hoạch công nghiệp hoá nông thôn Việt Nam.
Quan trọng nhất, chúng ta cần chấm dứt cách làm manh mún, cục bộ, đơn ngành; cần phải có sự cộng tác và điều phối đa ngành mới có thể phát triển nông thôn toàn diện được, nếu không thì chúng ta sẽ trở lại đường cũ, mạnh ai nấy làm, không phối hợp được mà có nhiều khi còn triệt tiêu kết quả của nhau. Tới đây, việc qui hoạch hướng phát triển cần có những phối hợp giữa các ngành, lấy nông dân và doanh nghiệp có đầu ra ổn định làm trung tâm.
Trong một đất nước mà đại bộ phận dân chúng phải bám lấy nông nghiệp để sống, ngày nào người nông dân còn nghèo thì lúc đó đất nước chưa phồn thịnh được.
Chính phủ ta và các cơ quan tài trợ quốc tế đã và đang cố gắng thực hiện những chương trình xoá đói giảm nghèo, nhưng so tiêu chuẩn quốc tế, nông dân vẫn còn là tầng lớp có nhiều người nghèo nhất trong cả nước. Dĩ nhiên ai cũng muốn cho đất nước mau giàu – nhưng trình độ khác nhau đưa đến suy nghĩ và cách làm khác nhau.
Có một điều chắc chắn là cách làm hiện tại của chúng ta vẫn còn phải chỉnh sửa một cách toàn diện hơn nữa mới có thể nhanh chóng thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam. Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ khắc phục hết những nguyên nhân đã khiến nông dân ĐBSCL bấy lâu nay tuy sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa giàu.
GS.TS. Võ Tòng Xuân/Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ