ThienNhien.Net – Để đạt tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới (FSC) cấp, người trồng phải tuân thủ hàng loạt nguyên tắc nghiêm ngặt về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
Sáng sớm, khu rừng trồng keo tràm đạt chứng chỉ FSC ở khu vực thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có đông người vào chăm sóc.
Thay đổi tập quán
Không giống như những khu rừng khác, những người vào đây đều được trang bị áo quần, mũ bảo hộ và mang theo thuốc men sơ cứu rất cẩn thận. Khi chuẩn bị bước chân vào rừng, ông Hồ Đa Thê, trưởng thôn kiêm trưởng nhóm của 20 hộ dân có rừng ở thôn Bến Ván, đã nhắc nhở mọi người không được hút thuốc.
Trong các lô rừng rất sạch sẽ với những cây keo to và thẳng tắp, phía dưới tán có rất nhiều thực bì được người dân phát quang. Ông Thê cho biết năm 2005, hơn 240 hộ dân xã Lộc Bổn được chuyển về đây sinh sống để nhường đất cho công trình hồ chứa Tả Trạch. Từ đó, khoảng 200 hộ dân Bến Ván bắt đầu tham gia trồng rừng theo dự án WB3 với diện tích gần 150 ha.
Người dân được tập huấn trồng và chăm sóc rừng, được làm sổ đỏ và vay tiền với lãi suất ưu đãi… Tham gia vào dự án này, họ đã thay đổi hẳn tập quán trồng rừng. Thay vì sau khi phát rừng sẽ đốt, giờ đây những người trồng rừng đã không đốt nữa mà để lại dưới những gốc cây nhằm tạo phân hữu cơ và hạn chế dòng chảy của nước khi mưa lũ nên không gây xói mòn rừng.
Đặc biệt năm 2012, hơn 30 ha rừng keo của 20 hộ dân Bến Ván được cấp chứng chỉ FSC. Sau 2 năm được cấp chứng chỉ, vào đầu tháng 4 vừa qua, đã có 3 hộ dân bán khoảng 700 tấn gỗ keo, thu lợi trên 1 tỉ đồng. “Mỗi ha rừng đạt chứng chỉ FSC bán lãi ròng 200 triệu đồng, gấp rất nhiều so với rừng trồng bình thường bởi quy định gỗ có đường kính từ 10-15 cm được bán với giá 1,4 triệu đồng/tấn, từ 15-20 cm giá 2,5 triệu đồng/tấn, trên 20 cm là 2,5 triệu đồng/tấn” – ông Thê nói.
Nhiều hộ dân đăng ký
Tuy nhiên, để được cấp chứng chỉ FSC thì hoàn toàn không đơn giản. Rừng phải đạt 10 tiêu chí với 56 nguyên tắc nghiêm ngặt và do các chuyên gia rừng thế giới kiểm tra, đánh giá mới cấp chứng chỉ được.
Những nguyên tắc này phải bảo đảm 3 vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế. Trong đó, về mặt môi trường có những tiêu chí nghiêm ngặt nhất, như: không được đốt thực bì, bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã, quá trình khai thác cũng không được để lại dấu tích của xe cộ, các loại chất thải. Còn về mặt xã hội phải bắt buộc người dưới 18 tuổi không được vào rừng, bảo đảm an toàn lao động và công bằng về giới. Trong khi về mặt kinh tế, các lô rừng này không có xâm hại đến lợi ích của người khác…
“Chúng tôi phải có nhật ký lô rừng, được tập huấn rất kỹ, đặc biệt khi khai thác phải bảo đảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Hằng năm, những chuyên gia của FSC lại đến kiểm tra một lần và xem xét xem quy trình trồng cũng như khai thác của người dân có đạt chuẩn không” – ông Thê cho biết.
Theo quy định của FSC, những khu rừng có độ tuổi trên 5 năm mới được khai thác và bảo đảm nguyên tắc không quá 10 ha mỗi lần và gỗ phải bán cho các doanh nghiệp được FSC cấp chứng chỉ thu mua nhằm sản xuất những mặt hàng xuất khẩu. “Khi mới chuyển về, toàn thôn có trên 60% hộ nghèo nhưng nhờ trồng rừng theo chuẩn FSC mà giờ hộ nghèo chỉ còn 20%. Không những thế, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế còn giúp bảo vệ môi trường rất tốt, vậy nên hiện có rất nhiều hộ dân trong thôn đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn này” – ông Thê tự hào.
Ý nghĩa rất lớn
Ông Phạm Đình Văn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết toàn tỉnh hiện có gần 300 ha rừng keo trồng đạt tiêu chuẩn FSC. “Trồng rừng theo tiêu chuẩn thế giới có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, chống khí thải nhà kính bởi tuân theo các quy định nghiêm ngặt của thế giới” – ông Văn khẳng định. |