ThienNhien.Net – Đẽo vỏ cây, đốt lửa quanh gốc, khoan lỗ đổ thuốc sâu hay muối hột, cưa một phần cây rồi chờ gió xô đổ… Đó là những kiểu ra tay tàn độc bức tử những cánh rừng thông tại TP Đà Lạt và cả Lâm Đồng nói chung
Men theo Tỉnh lộ 723 nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt – Nha Trang, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước những vạt rừng thông héo khô, chết đứng, bị chặt phá nham nhở. Hàng trăm hecta rừng thông vốn tạo nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ cho thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt đã bị triệt hạ để trồng cà phê, làm dự án và lấy gỗ…
Đỏ mắt tìm thông
Gần đây, khi đến Đà Lạt, nhiều du khách ngơ ngác thốt lên: “Nghe TP có nhiều thông lắm, sao chỉ thấy lác đác vài cây vậy?”. Nghe thế, những cụ già cả đời gắn bó với thành phố sương mù này chỉ biết cười chua xót: “Đó là ngày xưa, còn bây giờ tìm khách sạn, nhà hàng, khu du lịch thì dễ, chứ tìm thông ở đây có mà đỏ con mắt!”.
Ngay cả cánh rừng thông nằm 2 bên đèo Prenn – cửa ngõ vào Đà Lạt- cũng bị nhiều người “xông” vào lấn chiếm. Nhìn 2 bên đèo, người ta tưởng rằng thông ở đây còn nhiều nhưng chỉ cần ngó mắt xuống dưới thì chả thấy rừng đâu cả. Thay vào đó là một xóm nhỏ chuyên trồng rau, hoa không biết hình thành từ lúc nào.
Trong trung tâm của TP Đà Lạt, những ngôi nhà nào bị cây thông còn sót lại che khuất tầm nhìn là người ta tìm mọi cách để cây… nhanh chết. “Dễ lắm! Bơm cho chúng chai thuốc sâu cực mạnh là chết ngay!” – một người dân có cây thông “chướng mắt” cho biết.
Bằng mọi thủ đoạn như ken cây (vạc dưới gốc cho nhựa rỉ ra rồi chết dần), dùng lửa đốt quanh gốc, tiêm hóa chất…, người ta có thể biến vạt rừng thông xanh rờn bỗng trở nên vàng úa, chết đứng. Dừng chân tại khu vực sân bóng xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, nơi cách đây 2 năm là những cánh rừng thông bạt ngàn, chúng tôi chỉ thấy những vườn cà phê tươi tốt, những khu nhà kính nông nghiệp công nghệ cao mọc lên.
5 năm, mất 90.000 ha rừng
Năm 2014, sau khi kiểm kê rừng trên địa bàn theo dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, nhiều người mới tá hỏa khi biết chưa đầy 5 năm, Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000 ha rừng, trong đó có không ít rừng thông.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2010, Lâm Đồng có khoảng 602.000 ha rừng (độ che phủ 61,2%) nhưng đến năm 2014 chỉ còn 513.529 ha (độ che phủ còn 52,5%). Riêng Đà Lạt, năm 2010 độ che phủ rừng đạt 56%, nay chỉ còn khoảng 47%. Trong khi đó, ở Đà Lạt và Lâm Đồng nói chung, rừng thông chiếm một diện tích rất lớn.
Từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng liên tục phát hiện và xử phạt nhiều cá nhân, doanh nghiệp xâm phạm rừng thông bằng nhiều hình thức. Điển hình như vụ Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim phát hiện tại Tiểu khu 114A, 141, 142…, hàng trăm cây thông bị đầu độc bằng hóa chất làm chết hàng loạt.
“Mang danh là xứ sở ngàn thông mà giờ đây, quanh Đà Lạt chỉ có vài tuyến đường, khu du lịch là còn giữ được một ít cây thông” – ông Vũ Kiều (70 tuổi, người gắn bó với Đà Lạt gần 40 năm) bức xúc.
“Tay không bắt giặc”
Ông Trịnh Xuân Tự, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, phân trần: “Biết là họ phá rừng thông đấy nhưng lực lượng của chúng tôi quá ít nên không làm được gì, trong khi hành vi phá rừng thì ngày càng tinh vi hơn. Do chưa được nhà nước trang bị công cụ hỗ trợ nên chúng tôi vẫn “tay không bắt giặc” trong bảo vệ rừng”. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho rằng cần xử lý nghiêm những đối tượng đứng sau việc xâm hại rừng. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân ở những vùng khó khăn. Có như vậy mới ngăn chặn tình trạng phá rừng nói chung và rừng thông nói riêng. |