ThienNhien.Net – Quần thể voi tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng, từ 1.000 cá thể vào giữa những năm 1980 xuống còn 70-130 cá thể vào năm 2013.
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi tại Việt Nam” được tổ chức ngày 24/4 ở Hà Nội, TS Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) bày tỏ nỗi lo trước tình trạng các cá thể voi bị chết vẫn diễn ra hàng năm. Đángbáo động, nguy cơ tuyệt chủng của loài này tại Việt Nam đang ngày càng cao.
Tiến sĩ Trần Thế Liên cho rằng, các cấp chính quyền cần phải có một khung giải pháp mang tính tổng hợp để bảo tồn loài voi. Trong đó, cần nâng cao các giải pháp về quản lý rừng, quản lý sinh cảnh, đánh giá hiệu quả quản lý các khu bảo tồn; ứng dụng các công nghệ phục vụ công tác chống săn bắn trái phép tại hiện trường; nâng cao năng lực thể chế; tăng cường năng lực và hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra, truy tố; tăng cường nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng cũng như các đối tác có liên quan; đẩy mạnh các hoạt động thực thi pháp luật. Đặc biệt là các sáng kiến có sự tham gia của người dân trong việc phát hiện và truy quét tội phạm, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, hợp tác khu vực và quốc tế trong việc chống săn bắn, vận chuyển, buôn bán voi và các chế phẩm từ voi.
“Tránh để xảy ra tình trạng từ năm 2008 đến nay có mấy chục cá thể voi chết mà không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, có những vụ thấy súng, đạn nhưng vẫn không tìm ra thủ phạm”, TS Liên nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, của NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp bảo tồn voi tại Việt Nam. Hiện nay, tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn voi, các cơ quan chức năng đang tích cực tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn hành vi săn bắn, xâm hại voi và xâm lấn trái phép vào vùng quy hoạch bảo tồn voi. Tăng cường thực thi pháp luật, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, trái phép ngà voi và các bộ phận, dẫn xuất của voi. Đồng thời, bảo tồn chuyển vị và phát triển quần thể voi nhà hiện có; và giảm thiểu thiệt hại do xung đột voi và người tại vùng sinh sống của voi.
Nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về tầm quan trọng của việc bảo tồn voi. Cùng với đó, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và chất lượng phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng là các vấn đề cần được ưu tiên cao trong thời gian tới.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp, cũng đang trao đổi, đàm phán với các bên liên quan để xây dựng và thực hiện một hiệp định về bảo tồn voi xuyên biên giới giữa Vườn quốc gia Yok Don của Việt Nam và Vườn quốc giaMondikiri của Cam-pu-chia. Sự hỗ trợ và phối hợp của của WWF và các tổ chức bảo tồn khác là hết sức cần thiết để các giải pháp này đạt hiệu quả mong muốn”, Tiến sĩ Trần Thế Liên chia sẻ.
Tại hội nghị, Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cũng cho biết: “Tại Việt Nam, tê giác một sừng đã tuyệt chủng năm 2010, loài hổ đang bên bờ tuyệt chủng với quần thể tồn tại mong manh ngoài tự nhiên và không có dấu hiệu của sự sinh sản từ năm 2008. Và quần thể voi cũng chỉ còn không quá 150 cá thể ngoài tự nhiên và đang trên đường giảm số lượng.
Vì thế chúng ta phải làm mọi cách để cứu chúng khỏi chung số phận với hai loài trên. Không còn cách nào khác, tất cả chúng ta từ các cơ nhà nước cho tới người dân phải thực hiện mạnh mẽ và triệt để các biện pháp bảo tồn chúng ngay lập tức để bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam và toàn cầu cho muôn đời sau”.