ThienNhien.Net – Các quốc gia ở vùng Bắc Cực ngày 24/4 đã cảnh báo về những mối nguy hiểm mà môi trường đang phải đối mặt, đồng thời cam kết nỗ lực hợp tác trong việc đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực diễn ra ở thị trấn Iqaluit của Canada, cách Vòng Bắc Cực 300km về phía Nam, 8 quốc gia gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ đã cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm lượng khí thải methane và khí carbon đen độc hại, tác động nghiêm trọng đến môi trường nói chung và khu vực Bắc Cực nói riêng.
Các nước cũng lần đầu tiên đạt được một hiệp ước, trong đó cam kết tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu những tác động xấu của tình trạng biến đổi khí hậu thông qua những hành động cụ thể ở từng khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân trên Trái Đất đang phải đối mặt.
Ông cảnh báo khí thải carbon đen và methane gây tác động mạnh đối với môi trường lần lượt gấp 2.000 lần so với khí CO2, trong khi khí methane cũng độc hại gấp 20 lần so với CO2.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước cần chia sẻ trách nhiệm chung trong việc triển khai mọi biện pháp cần thiết để ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như ngăn chặn tình trạng này diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nga Sergei Donskoi cũng kêu gọi các nước tiếp tục hợp tác trong việc giảm thiểu khí thải độc hại bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Ông đồng thời khẳng định lập trường của Nga trong việc phản đối “chính trị hóa” Bắc Cực.
Được sản sinh ra trong quá trình cháy của gỗ và dầu diesel, khí carbon đen đọng lại trên bề mặt tuyết và các lớp băng đồng thời giữ nhiệt, khiến quá trình tan băng diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, methane cũng là một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính độc hại, khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao.
Các loại khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng khiến lượng băng tuyết tại khu vực Bắc Băng Dương sụt giảm nghiêm trọng.
Trong báo cáo công bố hồi tháng Ba vừa qua, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về tuyết và băng của Mỹ (NSIDC) đã cảnh báo về lượng băng tuyết giảm xuống mức thấp nhất tại Bắc Cực khi vào thời điểm ngày 15/3, lượng tuyết bao phủ ở Bắc Băng Dương chỉ còn 15,13 triệu km2, mức thấp nhất kể từ năm 1979 khi trung tâm này bắt đầu ghi nhận các dữ liệu của vệ tinh và cũng là năm thứ 6 liên tiếp có lượng băng tuyết giảm xuống mức thấp đáng báo động.
Giới nghiên cứu môi trường nhấn mạnh số liệu trên cho thấy lượng băng Bắc Cực đã tan chảy nhanh hơn dự kiến và đây là một bằng chứng nữa phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động.
Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần của lượng băng tuyết tại Bắc Cực sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu.