ThienNhien.Net – Từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã có một hành trình dọc theo những cánh rừng thuộc vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Mò mẫm vào từng xã thuộc huyện Krông Bông (Đắc Lắc), một cảnh tượng tan hoang khiến khó ai có thể tin rằng đó là “vườn quốc gia” được bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhất…
Lửa vẫn cháy
Với tổng diện tích 58.497 ha, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ…, Chư Yang Sin là khu vườn quốc gia kỳ vĩ. Thế mà, một quang cảnh không thể tin vào mắt chúng tôi khi rừng ở đây bị tàn sát nghiêm trọng, những cánh rừng đã trở thành cột khói cao ngút và bốc hẳn lên trời xanh. Những cái tên xã mang dáng dấp của vùng Quảng-Đà xuất hiện: Hòa Phong, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền… đi kèm với đó là những triền núi mà đứng ở các con lộ đều thấy nhẵn bóng cây rừng.
– Khói ở đâu ra vậy?
– Đốt rừng chứ đâu nữa!
– Đốt làm gì?
– Thì trồng mì, không có đất làm ăn mà.
Chúng tôi gặp một người dân tộc thiểu số lem luốc vừa từ cột khói trở về. Những câu hỏi được anh ta trả lời một cách thông suốt với vẻ thản nhiên nhất. Một điệp khúc được anh ta nhắc đi nhắc lại: “đốt rồi chạy, chạy rồi đốt”. Nghĩa là cứ phá rừng, đốn cây chất thành đống rồi châm lửa. Có cán bộ thì bỏ chạy, người ta quay đi thì mình trở lại đốt tiếp, đốt cho đến khi nào những cánh rừng trở thành tro tàn và chờ mùa mưa tới thì tra những đoạn thân cây mì xuống đất… Ghé vào một quán nước, ông chủ là người Quảng Nam gắn bó với mảnh đất này cũng khá lâu. Là người sinh sống bằng nghề chẳng liên quan gì đến rừng rú nên có bao nhiêu tâm sự ông đều bộc bạch hết: “Tôi ở đây lâu lắm rồi, chú nhìn cái cơ ngơi với đàn con cháu thì biết. Rừng à? Chỉ còn một ít thôi, ở đây người ta phá sạch hết rồi. Trời nắng nóng thế này, chúng nó còn đốt rừng nữa kìa, ngay trước mặt nhà tôi đó, khói nghi ngút, tro bụi còn bay vào nhà nữa mà”.
– Chúng nó là ai?
– Người trồng mì chứ ai nữa. Dân địa phương thôi, ở nơi khác ai dám vào đây đốt. Có mà nhừ tử.
Thị trấn Krông Kmar là trung tâm của H. Krông Bông, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng. Đứng ở đây có thể quan sát thấy mọi vị trí những dãy núi chạy xen kẽ với nhau thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Chỉ cần phóng tầm mắt chừng năm bảy trăm mét là thấy mịt mù khói lửa từ những cánh rừng thuộc các xã trên địa bàn. Băng qua các cánh rừng từ xã Yang Reh cho đến Cư Pui, nhiều mảng rừng đã bị thảm sát, đốt nhẵn rồi chất thành đống mà châm lửa. Nhìn từ xa cứ như những lò than được cấp phép hoạt động, trong khi ở dưới kia các cấp và ban, ngành vẫn đang loay hoay tìm phương án hữu hiệu nhất để phòng cháy và chữa cháy những cánh rừng đợt cao điểm mùa khô Tây Nguyên.
Chở rừng về nhà
Những cánh rừng không những bị thiêu rụi, khói nghi ngút, trong cuộc “thâm nhập” vào xã Cư Pui (Krông Bông), chúng tôi chứng kiến gỗ từ rừng vô tư về nhà trên những chiếc xe máy kéo nổ đinh tai nhức óc. Mọi chuyện bắt đầu khi những bãi tập kết gỗ chẳng có dấu hay số má gì của kiểm lâm chất cao ngút tại một số nhà sát đường. Hai chiếc xe máy kéo “lọt” từ rừng ra và thản nhiên chạy trên con lộ mịt mù gió bụi. Trên xe chất đầy những thớ gỗ đã được cưa xẻ thành đốt một cách cẩn thận và phân công người ngồi trên để “cảnh giới” hay qua những đoạn lằn sốc lỡ gỗ có rơi thì còn biết mà nhặt nhạnh.
Chúng tôi “vê” ga theo phía sau và bí mật ghi hình. Hai chiếc xe vẫn chạy bon trên đường nhưng từ phía sau, một chiếc xe máy tựa hồ ngựa sắt vượt mặt chặn đầu xe máy kéo lại. Cả xế lẫn tài nhảy xuống xe sau một vài câu nói và cử chỉ. Những ánh mắt lia về gã phó nháy vô duyên (là tôi) bởi có bao nhiêu cảnh đẹp đẽ như những cảnh rừng tan hoang ở đây lại không chụp mà đi “nháy” máy kéo làm gì.
– Chúng mày chụp cái gì đó?
– Đang khảo sát để làm đường, đường xấu quá.
Một gã bảo: “Chúng mày làm đường thì chụp đường đấy, chụp cái xe chúng tao làm gì. Rồi sau này bảo đường hư do tụi tao nữa thì khổ lắm”. Hai chiếc xe tiếp tục nổ máy chạy phăng vào một con đường đất đỏ để lảng tránh vì phát hiện dấu hiệu bất thường. Có lẽ từ trước đến nay cái cám cảnh chở rừng về nhà ở đây vẫn diễn ra ngang nhiên đến mức chả ai buồn ngó ngàng gì. Nên khi phát hiện “bị” chụp hình là một điều “xưa nay hiếm” nên phải tức tốc xuống xe giải quyết ngay. Lại nói về câu chuyện phá rừng âm ỉ ở đây, ngay khi chúng tôi thực hiện chuyến thực tế này đã được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một người đồng cảnh ngộ. Ngày trước anh đã từng công tác trong ngành lâm nghiệp. Vì chán chường với cảnh phá rừng, ý kiến mãi cũng không được, trước nhiều sức ép anh đã từ bỏ cái nghiệp rừng rú để tìm một hướng đi mới. Chúng tôi trò chuyện với anh về những cánh rừng ở Chư Yang Sin, và nhận ra anh đang tâm trạng đau buồn mà không thể nói được khi rừng trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc, thảo khấu.