ThienNhien.Net – Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 9-4 đã đăng bài “Thanh Hóa: Biến cây cổ thụ đang sống thành chết để đốn hạ”, phản ánh việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng (BQLRPH) lập hồ sơ thiết kế sai quy trình, không đúng với thực tế để đốn hạ cây gỗ chua khét cổ thụ tại tiểu khu 627. Công an huyện Như Xuân đã vào cuộc thu thập chứng cứ cho thấy hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, cây chua khét với trữ lượng lên tới hàng chục mét khối gỗ vẫn được đưa ra khỏi rừng một cách chóng vánh trong đêm.
Về mặt quy trình, nếu việc cây gỗ cổ thụ chua khét đã bị chết đứng thì BQLRPH Sông Chàng sẽ làm báo cáo gửi đến Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị cho cơ quan chức năng như kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp, Đoàn điều tra quy hoạch nông lâm nghiệp khảo sát, đánh giá, xác định sự việc có đúng không, khi đó mới hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở NN-PTNT Thanh Hóa ra quyết định thực hiện. Vậy nhưng, qua hồ sơ do ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc BQLRPH Sông Chàng cung cấp cho phóng viên thì các bước nêu trên đều bị lờ đi. Cụ thế, theo bản thuyết minh thiết kế khai thác lập ngày 14-3 cho thấy: Chỉ có mình ông Nguyễn Văn Bình và ông Nguyễn Xuân Ái – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân “độc diễn”.
Nghiêm trọng hơn, trong bản đồ thiết kế khai thác tận dụng cây gỗ chua khét này cấp thẩm định là Đoàn điều tra quy hoạch nông lâm nghiệp thuộc Sở NNPTNT Thanh Hóa và Chi cục lâm nghiệp lại bị bỏ trống. Thay vào đó, chỉ có đại diện BQLRPH Sông Chàng và Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân ký trong hồ sơ. Cần nhấn mạnh thêm là Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân chỉ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát! Toàn bộ hồ sơ của BQLRPH Sông Chàng trình lên Sở NNPTNT Thanh Hóa cho thấy còn nhiều thiếu sót vậy nhưng ông Lê Văn Đốc – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa vẫn hạ bút ký quyết định cho đốn cây gỗ chua khét còn sống bị khai tử thành chết là điều rất khó hiểu?
Chính ông Nguyễn Xuân Ái – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Như Xuân cũng thừa nhận, đơn vị chỉ là cơ quan giám sát việc khai thác xem có đúng quy định của pháp luật không. Vậy nhưng ông vẫn ký vào hồ sơ của BQLRPH Sông Chàng? Ông Ái nói: “Họ bảo tôi ký thì ký thôi. Việc tôi xác nhận không quan trọng, không có ý nghĩa gì trong việc đốn hạ cây gỗ. Không phải Sở NN-PTNT Thanh Hóa căn cứ vào chữ ký của ông Ái để cho khai thác. Tôi không bao biện và tôi cũng không nói tôi không sai. Nếu tôi sai, vì chữ ký của tôi dẫn tới tình trạng cây gỗ bị chặt, tôi sẽ hoàn toàn nhận trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên”.
Sau khi sự việc cây gỗ chua khét còn sống nhưng bị khai tử để đốn hạ được Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, UBND huyện Như Xuân đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, xác minh khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên tại BQLRPH Sông Chàng do ông Đặng Thông Tư – Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân làm trưởng đoàn. Theo đó, ngày 15-4, UBND huyện Như Xuân có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa phúc đáp nội dung Báo Đại Đoàn Kết phản ánh. Báo cáo nêu: “Quan sát bằng mắt thường cho thấy bộ rễ cọc của cây chua khét đã chết hoàn toàn; bộ rễ chùm có 10 rễ, chỉ có một rễ chết, 9 rễ còn tươi nguyên”. Đối chiếu với hồ sơ cho thấy khi chặt hạ cây chưa chết hoàn toàn (chết 80%), đang trên đà phân hủy?
Nhưng căn cứ trên những chứng cứ “sống” do phóng viên thu thập và hồ sơ của cơ quan điều tra có thể khẳng định: Đây là cây gỗ đang còn sống 80% chứ không phải chết 80% như báo cáo của UBND huyện Như Xuân nêu. Điều đáng nói nữa, trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, đáng nhẽ cây gỗ sau khi đốn hạ, phải trình Sở NNPTNT Thanh Hóa xem xét về mặt giá trị để đưa ra bán đấu giá. Song không hiểu vì lý do gì, Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân vẫn quyết định đóng dấu búa để toàn bộ khối lượng gỗ được đưa đi khỏi hiện trường ngay trong đêm tối.
Vụ việc cần được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Ai đứng đằng sau việc đốn hạ cây gỗ? Ai là người đã vận chuyển cây gỗ này đi và đang cất giữ ở đâu? Quy trình khai thác sai quy định, biến gỗ sống thành chết lại vội vã chở toàn bộ trữ lượng cây gỗ chua khét đi nơi khác là điều khiến dư luận tỏ ra hoài nghi về sự công minh của pháp luật.