ThienNhien.Net – Sau gần 4 năm Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đến nay mới sắp được thực hiện.
Loại bỏ doanh nghiệp yếu kém
Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản (KS) còn theo cơ chế “xin – cho”, khai thác KS một cách ồ ạt nhưng ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể; người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng. Đặc biệt, năm 2005 sửa đổi một số điều của Luật Khoáng sản, phân cấp cho các địa phương nên diễn ra tình trạng cấp phép nhỏ lẻ, ngay cả khi không rõ trữ lượng và chất lượng. Chỉ trong 3 năm phân cấp, các địa phương đã cấp hơn 4.000 giấy phép khai thác KS, trong khi tổng số từ trước tới nay, Trung ương chỉ cấp hơn 500 giấy phép.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành quyết định số 411/QĐ-BTNMT phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1/2015. Theo đó, 4 khu vực được tiến hành đấu giá bao gồm: mỏ sắt tại Khe Bằng, xã Thu Cúc, Tân Sơn (Phú Thọ); mỏ Metacacbonat (đá ốp lát và đá cảnh) tại xã Suối Giàng, Văn Chấn (Yên Bái); mỏ vàng tại Xà Khía, Lệ Thủy (Quảng Bình) và mỏ Fluorit tại Bình Đường, Nguyên Bình (Cao Bằng).
Quy định về đấu giá KS là điểm mang tính đột phá trong Luật Khoáng sản 2010. Như vậy, sau gần 4 năm Luật có hiệu lực, việc đấu giá quyền khai thác KS đến nay mới sắp được thực hiện. Theo đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT), mục đích của việc đấu giá cấp quyền khai thác KS là để chọn ra được tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên KS, giảm thiểu các tác động đến môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Các khu vực KS được lựa chọn đưa ra đấu giá phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng KS đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Thông tin về các mỏ đấu giá, thủ tục hồ sơ, yêu cầu về năng lực của doanh nghiệp đăng ký khai thác đối với từng mỏ sẽ được công khai, minh bạch. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đủ vốn thực hiện dự án, có trình độ chuyên môn về khai thác, kinh nghiệm sản xuất và phải cam kết khai thác có chế biến sâu, không được bán thô. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được vào vòng trong tham gia đấu giá, ai trả cao hơn thì được khai thác. Hội đồng đấu giá gồm các thành viên các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương nơi có mỏ đấu giá.
“Với quy định này, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị loại bỏ, không còn cơ chế xin – cho, các doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Cùng với việc đấu giá, việc thu tiền cấp quyền khai thác KS, lấy tiền giá sàn của đấu giá trong thời gian tới cũng sẽ loại nhiều doanh nghiệp, bởi khi phải trả tiền sẽ có nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả phải tự rút”, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận xét.
Ngăn chặn thất thoát khoáng sản
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ là một trong những địa phương có mỏ được chọn đấu giá trong đợt này là mỏ sắt có trữ lượng ban đầu là 5 triệu tấn, nằm trên địa bàn 2 xã Thu Cúc (Tân Sơn) và xã Trung Sơn (Yên Lập). Tỉnh đã tổ chức xin ý kiến các ngành và xã trực tiếp liên quan đến mỏ và xác định mỏ không nằm trong khu vực an ninh quốc phòng hoặc di tích. Đồng thời đại diện tỉnh cũng tham gia hội đồng đấu giá do Bộ TN&MT chủ trì, dự kiến phiên đấu giá sẽ diễn ra vào tháng 6/2015.
“Khó khăn nhất là xác định trữ lượng KS, hiện nay mới chỉ dừng ở bước điều tra, khảo sát còn công tác thăm dò chưa làm được nên trữ lượng dự báo ở mức 5 triệu tấn có thể chưa chính xác. Nếu trữ lượng không chính xác sẽ rất khó để quyết định giá khởi điểm đấu giá”, ông Thắng chia sẻ.
Đó cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia, hiện còn nhiều ý kiến lo ngại khi hiện nay việc đánh giá trữ lượng mỏ chủ yếu vẫn theo cơ chế cũ. Trong đấu giá quyền khai thác KS có 2 loại, mỏ đã thăm dò trữ lượng và chưa thăm dò, đối với những mỏ chưa thăm dò, nếu vẫn áp dụng xác định trữ lượng dựa vào khai báo của doanh nghiệp thì khả năng thất thoát vẫn xảy ra. Bà Trần Thị Thanh Thủy, Liên minh Khoáng sản Việt Nam, đánh giá, việc định giá mỏ là rất quan trọng, do đó phải minh bạch thông tin về trữ lượng, chất lượng mỏ để nâng cao hiệu quả quản lý, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi phải bỏ số tiền lớn đấu giá quyền khai thác, nhưng trữ lượng mỏ lại thấp, đồng thời tránh cho Nhà nước không bị “bán rẻ” mỏ trữ lượng lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ thông báo công khai danh mục các khu vực có KS đưa ra đấu giá; thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng KS; các thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác KS trên các phương tiện.
Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, quy định sẽ cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn ra để thuê các công ty tư vấn, chuyên gia sâu tham gia vào tư vấn, thăm dò lại dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ trên cơ sở trữ lượng thăm dò lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt lại và điều chỉnh lại tiền cấp quyền.