ThienNhien.Net – 450 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng nhập viện, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư.
“Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất, chiếm một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Không có ngưỡng an toàn nào khi tiếp xúc với amiăng và tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư và các bệnh trầm trọng khác cho con người”. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng được Tổ chức Y tế vì dân (EBHPD) tổ chức sáng nay (22/4), tại Hà Nội.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới(WHO), có khoảng 125 triệu công nhân trên toàn thế giới tiếp xúc trực tiếp với amiăng ở nơi làm việc, trong đó có hơn 107.000 người chết mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến vật liệu này như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính.
Ở Việt Nam, hiện có hơn 4.600 người lao động tiếp xúc trực tiếp với vật liệu amiăng, hàng triệu người dân đang sử dụng tấm lợp và các sản phẩm có chứa amiăng. Kết quả nghiên cứu về các bệnh liên quan đến amiăng ở người tiếp xúc với amiăng cho thấy, trong số gần 450 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng nhập viện, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi, trong đó có 6 ca liên quan đến amiăng, 5 trường hợp ở nhà lợp mái pro xi măng bị bệnh bụi phổi.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu cho rằng, rất khó kiểm soát mức độ an toàn tại các cơ sở sản xuất, sử dụng amiăng. Điều kiện bảo hộ cho người lao động cho người lao động tại Việt Nam hiện còn thấp nên hiệu quả bảo vệ không cao. Đối với người sử dụng tấm lợp có chứa amiăng lâu ngày, tấm lợp bị hỏng, chất thải có chứa amiăng sẽ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.
Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, các tổ chức và các ngành chức năng liên quan cần có những hành động quyết liệt để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng: “Chúng ta không dừng lại ở vấn đề amiăng trắng mà coi đây là hóa chất đầu tiên mà các tổ chức dân sự tham gia vào hoạt động chính sách, tới đây là toàn bộ khu vực độc chất học với sức khỏe người dân và môi trường. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, kể cả Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức ILO hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này”.
Nhận thức được tác hại tiềm ẩn, lâu dài của amiăng đối với sức khỏe người lao động và cộng đồng. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có sự chỉ đạo kịp thời và cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng. Thủ tướng đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học-Công nghệ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia loại trừ amiăng. Trong đó tập trung đảm bảo an toàn hóa chất, quản lý chất thải nguy hại, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tăng cường năng lực chẩn đoán sớm các bệnh liên quan đến amiăng; bổ sung bệnh do amiăng vào danh mục đền bù; nghiên cứu xử lý chất thải amiăng…
Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Các cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm nâng cao nhận thức cho người lao động và cộng đồng, triển khai lồng ghép việc thực hiện kế hoạch loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng trong các chính sách về lao động và sức khỏe, khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế và công nghệ an toàn hơn. Tăng cường các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và đảm bảo việc thực thi thông qua thanh kiểm tra thông qua giám sát, tiếp xúc và tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp xúc nghề nghiệp. Chỉ định các đơn vị đủ điều kiện thực hiện công tác phá rỡ, bảo dưỡng các vật liệu liên quan đến amiăng, tránh phát tán bụi amiăng ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.