ThienNhien.Net – Các nhà máy điện Mặt Trời đầu tiên trên mặt nước đã chính thức khai trương tại tỉnh Hyogo, miền Trung Nhật Bản.
Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn công nghệ Kyocera và Century Tokyo Leasing – một công ty được thành lập từ năm 2009 với tổng tài sản 25,7 tỷ USD và vốn huy động từ thị trường gần 3 tỷ USD.
Hai nhà máy điện mặt trời được bố trí tại hai hồ nước lớn với tổng công suất 2,9MW, trong đó hồ Nishihira có công suất 1,7MW và hồ Higashihira là 1,2MW. Nhà máy có tổng cộng 11.256 tấm module năng lượng mặt trời, công suất mỗi module Kyocera đạt 225 watt điện. Nhà máy chính thức được lắp đặt vào tháng 9/2014 và bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2015.
Kyocera và Century Tokyo Leasing ngày 20/4 ra tuyên bố chính thức theo đó Công ty liên doanh Kyocera TLC Solar LLC đã hoàn tất việc xây dựng hai nhà máy điện tại hai hồ nước Nishihira và Higashihira ở thành phố Kato, tỉnh Hyogo.
Tổng sản lượng điện trung bình hàng năm của hai nhà máy này ước đạt 3.300MWh, cung cấp đủ lượng điện năng sinh hoạt cho khoảng 920 hộ gia đình.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc triển khai các nhà máy điện mặt trời này mang lại lợi ích về nhiều mặt. Trước tiên, đây là một dự án xanh sử dụng năng lượng tái sinh không gây hại đến môi trường. Hệ thống sản xuất quang năng nổi trên mặt nước này giúp sản sinh nhiều điện năng hơn so với hệ thống đặt trên mái nhà và mặt đất do tác động làm mát của nước.
Nhà máy điện nổi cũng làm giảm tình trạng bốc hơi nước trong hồ cũng như ngăn chặn sinh sôi tảo. Các bệ nổi đặt pin mặt trời có thể tái sinh 100%, sử dụng polyethylene mật độ cao chịu được tác động của tia cực tím và chống ăn mòn. Ngoài ra, các bệ nổi này còn được thiết kế và chế tạo nhằm chịu được các tác động lớn về vật lý ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa bão.
Hiện nay, toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đang ngừng hoạt động do lo ngại về mức độ an toàn kể từ sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima 1 khiến nhiều công ty điện lực sử dụng nhiệt điện như là một giải pháp tình thế nhằm bổ sung cho tình trạng khan hiếm điện năng sau khi đóng cửa các lò phản ứng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu cao và mối đe doạ đến môi trường khiến nhiệt điện không phải là một lựa chọn lâu dài cho vấn đề năng lượng của Nhật Bản.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn về bài toán năng lượng kể từ sự cố điện hạt nhân Fukushima 1, các dự án sử dụng năng lượng tái sinh là những điểm sáng thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.
Sau sự cố hạt nhân, các công trình sử dụng năng lượng mặt trời được ứng dụng tại nhiều địa phương ở Nhật Bản. Đâu đó, người ta bắt đầu thấy các nhà máy điện mặt trời được triển khai trên mặt đất và pin năng lượng mặt trời cũng được đặt trên nóc các khu dân cư, các toà nhà và công trình công cộng. Tuy nhiên, nhà máy điện nổi trên mặt nước mà Kyocera và Century Tokyo Leasing vừa triển khai là một mô hình hoàn toàn mới, thể hiện sự sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm của Tập đoàn công nghệ này.
Việc triển khai thành công mô hình nhà máy điện nổi sẽ tạo điều kiện quan trọng để Kyocera tiếp tục cho ra đời các mô hình sản xuất điện năng tái sinh hiệu quả trong tương lai, mở ra một kỷ nguyên cho năng lượng tái sinh.