ThienNhien.Net – Với giá trị kinh tế cao, dễ trồng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, cây tếch được Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy, huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk trồng trên diện tích rừng khộp nghèo kiệt.
Từ km 92, quốc lộ 14, rẽ vào hơn 20 km, chúng tôi cưỡi “ngựa sắt” vượt qua những đoạn đường đất đỏ toàn ổ trâu, nắng thì bụi, mưa thì lầy, phải khó khăn lắm mới tới được tiểu khu 102, 50, 55 thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy quản lý. Đây là một trong những vùng rừng khộp có địa hình xa xôi, hiểm trở.
Ông Phạm Tấn Việt, GĐ Cty cho biết: Nơi đây trước kia người dân địa phương lén lút phá rừng lấy đất làm nương rẫy, giờ thay vào đó là 400 ha rừng tếch được trồng từ năm 2012 – 2014. Cty đang làm phương án phát triển rừng bền vững, rừng tự nhiên sẽ được quản lý tốt hơn, rừng trồng được đầu tư đúng mức, đúng quy trình kỹ thuật nên giá gỗ rừng trồng và rừng tự nhiên có giá hơn.
Sau khi được cấp chứng chỉ về rừng, Cty sẽ mở rộng các ngành nghề SXKD như: Nâng cấp vườn ươm cây giống từ 1,5 triệu cây giống/năm lên 3 triệu cây giống/năm, đồng thời mở rộng SX nâng cấp xưởng chế biến gỗ với kinh phí 5 – 6 tỷ đồng cho dây chuyền SX gỗ tinh chế.
Cty đã thu hồi được hơn 106 ha đất của hơn 100 hộ dân. Những diện tích này đơn vị thực hiện trồng rừng SX bằng nguồn vốn vay của dự án FLichch, nguồn vốn của Cty và người dân cùng góp. Vừa qua có 300 hộ dân trong lâm phần tự trồng lại rừng, Cty đã hỗ trợ đầu tư ban đầu cây giống, công trong 3 năm đầu và hướng dẫn kỹ thuật. Khi khai thác sản phẩm người dân được hưởng lợi 85%, Cty 10% và địa phương 5%.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Cty đã phối hợp với ĐH Tây Nguyên nghiên cứu trồng cây tếch trên đất rừng khộp. Chương trình này không chỉ nằm mục đích cải thiện môi trường, chất lượng rừng khộp mà còn tăng cường được công tác quản lý và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. 1 ha có thể trồng xen 400 cây tếch. Cây giống từ 12 – 18 tháng được đưa ra trồng chịu hạn tốt, về sau gỗ không bị rỗng ruột. Cty đã trồng thử nghiệm ở nhiều nơi với diện tích 7 ha và cây sinh trưởng tốt.
Từ năm 2008 đến nay, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy đã tổ chức trồng được 443,8 ha rừng phòng hộ, trên 1.152 ha rừng SX và giao khoán đất, liên kết trồng rừng với 2.000 hộ dân trong vùng, trong đó có 80% là bà con đồng bào dân tộc. Lãnh đạo Cty khẳng định cây tếch là cây trồng chính. Riêng năm nay Cty trồng mới 100 ha. Về lâu dài Cty mong muốn được Nhà nước đầu tư, tạo điều kiện mở rộng trồng cây tếch trên diện tích hơn 2.000 ha đất rừng khộp mà Cty đang quản lý. |
Theo ĐH Tây Nguyên, ngoài giá trị kinh tế lớn, cây tếch còn có tác dụng phòng hộ, cải tạo môi sinh. Đây là một loài cây rất hợp cho trồng rừng công nghiệp trên quy mô lớn. Đồng thời tếch là một loại cây được sử dụng rộng rãi để phát triển các mô hình nông lâm kết hợp xen cây lương thực, thực phẩm rất thích hợp cho phát triển lâm nghiệp cộng đồng, trồng cây nhân dân, vườn rừng, trang trại và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Giá trị gỗ tếch luôn cao và ổn định trên thị trường do gỗ không cong vênh, ít biến dạng, bền đẹp, không mọt. Ông Việt phân tích: So với trồng cây keo lai, cây trồng rừng phổ biến từ trước đến nay thì cây tếch có chu kỳ khai thác dài hơn, từ khi trồng cho đến lúc khai thác 10 – 12 năm.
Tuy vậy, cây trồng này được đơn vị lựa chọn là cây trồng rừng chính. Với cây keo sau 7 năm cho khai thác nhưng lợi nhuận thu về không được là bao. Mỗi ha trồng được 1.100 cây tếch, khi khai thác sẽ được 150 – 200 m3 gỗ, với giá bán trên thị trường nội địa hiện nay 10 – 12 triệu đồng/1m3 thì mỗi ha tếch có tổng thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Đã có nhiều hộ dân trở lên giàu có nhờ trồng tếch như hộ ông Phan Văn Minh ở xã Ea Wy có 10 ha tếch trồng từ năm 1997, nay giá trị vườn cây hơn 20 tỷ đồng. Hộ ông Cam Anh Văn ở thôn 6B, xã Ea Wy có 5 ha đất lâm nghiệp, năm 1994, Cty vận động trồng rừng bằng cây tếch, giờ trị giá cũng vài tỷ đồng.
Gia đình anh Nguyễn Thành Lực, thôn 1, xã Cư Mốt nhận khoán trồng 1,83 ha rừng, trước đây anh trồng keo lai như từ năm 2013 đến nay, sau khi thu hoạch keo, anh chuyển sang trồng toàn bộ cây tếch. Đặc biệt đối với các hộ dân nhận khoán trồng rừng, giai đoạn trong 3 năm đầu trồng và chăm sóc, người dân vẫn có thể tận dụng trồng các cây ngắn ngày để có thêm thu nhập.