Mùa thuốc lá: Rừng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm

ThienNhien.Net – Thời điểm tháng 3, 4 hàng năm, khi cây thuốc lá vào chính vụ thu hoạch cũng là lúc những cánh rừng ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai được “ghé thăm” thường xuyên để tìm củi gỗ đốt lò. Nhiều vùng quê lại chìm trong ô nhiễm do khói đen từ lò sấy thuốc. Nhiều mảnh đất trở nên bạc màu, suy thoái vì mất hết chất dinh dưỡng.

Người dân thu hoạch thuốc lá. (Ảnh: Quế Mai)
Người dân thu hoạch thuốc lá. (Ảnh: Quế Mai)

Đe dọa tài nguyên rừng

Cây thuốc lá là một trong những loại cây được coi là chủ lực kinh tế ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai. Khoảng thời gian này, dưới cái nắng như đổ lửa, nhiều bà con nông dân ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa đang tất bật thu hoạch cây thuốc lá.

Lá thuốc hái xong được chất lên xe ô tô chở về nhà. Đến nhà, lại có người ngồi xâu thành xâu dài và chuẩn bị xếp vào lò sấy. Lá thuốc sau khi vào lò được sấy liên tục trong 6 – 7 ngày. Đến những vùng trọng điểm về loại cây này, đâu đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp những lò sấy thuốc lá được xây dựng thủ công nằm ngay bên cạnh nhà. Vì là lò thủ công nên vận hành cũng rất đơn giản, lò sử dụng củi gỗ làm nguyên liệu đốt lò tạo thành nhiệt để sấy đến khi lá thuốc ngả màu vàng.

Do đó, bên cạnh các lò sấy luôn luôn có những đống củi để sẵn. Thông thường củi đốt là các loại gỗ tạp như xoài, me, gỗ rừng… Tuy nhiên, ngoài những cây củi nhỏ, chúng tôi thấy cả những khúc gỗ đường kính lớn từ 30 cm trở lên, nhiều cây gỗ đã được chặt ra thành nhiều khúc nhỏ để chuẩn bị vào lò đốt. Vào mùa sấy thuốc, nguồn chất đốt lò trở nên khan hiếm khiến giá mua càng tăng cao.

Một đống củi được chuẩn bị cho vụ sấy thuốc lá. (Ảnh: Quế Mai)
Một đống củi được chuẩn bị cho vụ sấy thuốc lá. (Ảnh: Quế Mai)

Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Bình Hòa, xã Chư Răng (huyện Ia Pa, Gia Lai) cho biết: “Với 1,5 ha thuốc lá của gia đình, mỗi vụ tôi sấy khoảng 8 lần là xong. Lượng củi sử dụng trong một vụ phải mua hết 20 triệu đồng. Vì sấy thuốc lá cần một lượng nhiệt vừa đủ và phải đều nên củi rừng là loại chất đốt phù hợp nhất. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng kiểm lâm hay chặn bắt các xe chở củi từ rừng ra nên nguồn chất đốt trở nên khan hiếm hơn”.

Vì thế, cứ vào mùa sấy thuốc lá, người đi lấy củi gỗ rừng ngày càng nhiều. Và khi lượng củi không còn nữa, người ta dóm ngó đến cả những cây gỗ lớn, khiến nhiều cánh rừng ở vùng này bị khai thác và tàn phá nặng nề. Những cánh rừng bạt ngàn xưa kia giờ chỉ còn là khoảng đồi trọc mênh mông, khí hậu vùng “chảo lửa” nay lại càng khắc nghiệt hơn.

Những mẻ thuốc lá sau khi sấy có mùi hăng nồng khó chịu. (Ảnh: Quế Mai)
Những mẻ thuốc lá sau khi sấy có mùi hăng nồng khó chịu. (Ảnh: Quế Mai)

Ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất

Niên vụ 2014 – 2015, khu vực Đông Nam Gia Lai gieo trồng khoảng 3000 ha cây thuốc lá. Năng suất khoảng 4 – 5 tấn thuốc lá khô/ha. Với giá mua hiện tại là 50 ngàn đồng/kg, trung bình, mỗi ha thuốc lá trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 70 – 80 triệu đồng. Nguồn thu này cao gấp đôi so với nhiều loại cây khác như lúa, ngô. Tuy nhiên, họ cũng phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe để làm loại cây độc hại này.

Củi rừng là chất đốt hiệu quả nhất khi đốt lò sấy thuốc. (Ảnh: Quế Mai)
Củi rừng là chất đốt hiệu quả nhất khi đốt lò sấy thuốc. (Ảnh: Quế Mai)

Theo quan sát của chúng tôi, ở đây nhà nào cũng có ít nhất một lò đốt thuốc lá. Trong một thôn có đến 12 – 15 lò nằm sát nhau. Ở một số làng, cả làng làm thuốc lá, đâu đâu cũng có lò đốt đang hoạt động hết công suất. Các ống khói thi nhau nhả khói đen ngòm, mùi hơi hăng hăng. Anh Phan Văn Thiên ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa chia sẻ: “Vẫn biết là nó độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng dân mình nghèo quá cứ phải làm thôi, lấy cái mà nuôi con”.

Được biết, thuốc lá là cây háo nước nên chỉ có thể trồng ở vùng trũng hoặc gần ao hồ có nguồn nước tưới dồi dào. Thực tế cho thấy, trên một mảnh đất, người ta chỉ có thể gieo trồng được 3 – 4 vụ thuốc lá. Sau đó, đất bị suy thoái, cạn kiệt chất dinh dưỡng, trồng cây dễ bị sâu bệnh. Do đó, thuốc lá là loại cây trồng gây hại cho đất. Tuy nhiên, trước lợi ích kinh tế mà nó mang lại, nhiều người dân vẫn bất chấp đi theo loại cây trồng này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa khẳng định: “Cây thuốc lá tuy mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng là loại cây không được UBND tỉnh khuyến khích mở rộng do các yếu tố như độc hại cho sức khỏe, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và chất đốt đe dọa tài nguyên rừng. Đây chỉ là cứu cánh trước mắt, không phải hướng phát triển lâu dài”.

Một lò sấy thuốc lá đang nhả khói đen gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Quế Mai)
Một lò sấy thuốc lá đang nhả khói đen gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Quế Mai)

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Trí – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho biết: “Các lò sấy thủ công trên địa bàn đều không có giấy phép kinh doanh hay giấy phép xây dựng. Đây chỉ là lò tự phát. Phòng đã tiến hành di dời các lò sấy trong khu dân cư ra xa để tránh gây ô nhiễm. Hiện tại các lò trên địa bàn chủ yếu nằm xa dân cư nên mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể. Trong tương lai, sau khi hoàn thành Khu tiểu thủ công nghiệp đơn vị sẽ vận động, di dời tất cả lò sấy thuốc lá trên địa bàn vào đây để quy hoạch không gây ô nhiễm môi trường”.

Không thể phủ nhận, thuốc lá là loại cây giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nhưng những tác hại mà nó gây ra cũng là một mối lo lớn cần quan tâm. Đến bao giờ người dân mới ý thức được những tác hại này vẫn là một câu hỏi không lời giải đáp khi đời sống của họ còn nghèo, còn quá nhiều khó khăn.