ThienNhien.Net – Theo Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), hiện nay, tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực lòng hồ Núi Cốc đang có chiều hướng gia tăng. Kể từ cuối tháng 2/2015 đến nay, qua kiểm tra, tổ công tác tuần tra rừng của Ban liên tục phát hiện hiều lô rừng trong phạm vi quản lý, nhất là diện tích rừng nhỏ lẻ trên các đảo trong vùng lòng hồ bị chặt phá. Ngoài các cây to bị chặt trộm trong vùng rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, nhiều đối tượng còn chặt phá một số diện tích rừng keo non (4 đến 5 năm tuổi) ở vùng rừng phòng hộ xã Phúc Tân (huyện Phổ Yên).
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc cho biết, thời gian qua, nhiều cơ sở thu mua gỗ bóc, gỗ băm nguyên liệu thu mua gỗ với giá cao nên nhiều người dân ở các xã vùng Hồ Núi Cốc như: Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái (huyện Đại Từ), Phúc Tân (huyện Phổ Yên), Phúc Xuân, Phúc Trìu (Thành phố Thái Nguyên) đã tham gia vào việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở vùng rừng thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ để kiếm lợi. Do địa hình sông nước phức tạp, phương tiện tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế nên việc ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên vùng lòng hồ Núi Cốc là hết sức khó khăn. Thêm vào đó, diện tích rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc rộng khoảng 3.500 ha, phân bố ở 6 xã vùng ven hồ và trên 89 hòn đảo trên mặt hồ trong khi lực lượng kiểm lâm khá mỏng, vừa trực phòng cháy chữa cháy rừng vừa làm công tác tuần tra, bảo vệ, sự phối hợp của các cấp chính quyền chưa thực sự chặt chẽ… nên công tác ngăn chặn, xử lý các đối tượng chặt trộm rừng phòng hộ, vận chuyển gỗ khai thác trái phép đạt hiệu quả chưa cao… Chính vì vậy, trong suốt hơn 3 tháng qua, lực lượng kiểm lâm chỉ bắt giữ được 5 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng ở khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, thu giữ 3,5 mét khối gỗ quy tròn…
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ thừa nhận việc có tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn tuy vậy chính quyền xã chỉ nắm được việc người dân địa phương tận thu củi, cành ngọn từ phía xã Phúc Tân chuyển qua. Thực tế, từ đầu năm đến nay, xã cũng chỉ bắt được 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với số lượng không đáng kể nhưng chỉ bắt được tang vật còn người vận chuyển khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”. Ông Chủ tịch UBND xã còn khẳng định, rừng phòng hộ của xã không bị xâm hại, còn việc vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn cũng cần xem xét lại trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm vì ngay trên địa bàn xã cũng có chốt kiểm lâm đặt tại xóm 10…
Trước thực tế này, từ giữa tháng 4/2015, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc và khu vực giáp ranh. Ngoài lực lượng kiểm lâm của Ban quản lý rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc còn có thêm cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ và Đội kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng của tỉnh. Việc kiểm tra thực hiện ở tất cả các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn và các chủ rừng; đồng thời các tổ, chốt tuần tra, kiểm soát lâm sản tiến hành kiểm tra các tụ điểm khai thác ở khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên vùng hồ… Trên các tuyến đường bộ, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra 3 tuyến đường bộ chính: Tân Thái – Đại Từ; Vạn Thọ – Ký Phú, Lục Ba, Cát Nê, Quân Chu; Phúc Trìu – Phúc Xuân, Quyết Thắng… Tuy vậy, ngay chính lãnh đạo Chi cục kiểm lâm cũng thừa nhận, điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên vùng Hồ Núi Cốc chính là việc tạo ra sự hiệp lực đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa Ngành kiểm lâm với chính quyền địa phương cũng như lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.