ThienNhien.Net – Với lợi thế có hệ thống sông, suối dày đặc, tỉnh Lào Cai có nhiều điều kiện để phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ. Việc phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Lào Cai thời gian qua đã góp phần bổ sung sản lượng điện không nhỏ cho phần thiếu hụt của lưới điện quốc gia và điều hòa nước phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vào mùa khô. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa tại địa phương này vẫn còn nhiều bất cập.
* Thủy điện nhỏ: “công lắm, tội nhiều”
Phần lớn các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa của tỉnh Lào Cai được đặt tại vùng sâu, vùng xa đã chung tay cùng nhà nước đưa điện về miền núi, cải tạo cơ sở hạ tầng, tăng cơ hội phát triển kinh tế cho những vùng nghèo khó, đồng thời, bổ sung sản lượng điện không nhỏ cho phần thiếu hụt của lưới điện quốc gia. Việc đầu tư xây dựng các hồ chứa thủy điện cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc trữ và điều hòa nước cho các nhu cầu khác, đặc biệt là vào mùa khô.
Với 32 dự án thủy điện đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy đạt 528,1MW, sản lượng điện trong năm 2014 đạt 1.800 triệu KWH đã đóng góp một phần không nhỏ cho sản lượng điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia công nghiệp ở Lào Cai thì nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân 8%/năm (năm 2014 đạt 14,3%) trong giai đoạn tới, sản lượng điện Lào Cai cần phải có vào năm 2020 sẽ là 167.022 GWH. Lúc đó, nếu Lào Cai tận dụng khai thác thuỷ điện đã có lên tới 50 tỉ KWH và 1,5 tỉ KWH địa nhiệt điện (một dạng năng lượng hiện còn chưa được khai thác)… thì vẫn còn thiếu khoảng 37 tỉ KWH điện. Do đó việc khuyến khích đầu tư để có điện phục vụ phát triển cho nhu cầu của tỉnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thủy điện nhỏ và vừa mang lại, các dự án này cũng đã khiến chính quyền và người dân địa phương không khỏi “đau đầu”, phiền toái.
Dư luận ở Lào Cai chưa hết xôn xao sau khi cơ quan chức năng công bố 6 công trình thủy điện nhỏ, gồm: Nhà máy Thủy điện Nậm Hô, Tà Lơi 3, Suối Trát, Tà Lạt, Nậm Tha 5, Nậm Tha 6… hồi cuối năm 2013 đầu 2014 đã tự ý nâng chiều cao thân đập vượt quá thiết kế cho phép, thì ngày 10/4/2015, tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng cảnh báo có tới 56/66 dự án thủy điện phạm luật do chưa được cấp phép xây dựng nhưng vẫn tiến hành thi công. Chưa hết, cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết có 47 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đất đai. Trong số đó mới có 7 đơn vị được cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất.
Không chỉ vậy, người dân và chính quyền địa phương một số nơi khá bức xúc với các dự án thủy điện trên địa bàn do cách ứng xử của họ với người dân. Phó chủ tịch huyện Bắc Hà, ông Bùi Quang Huy cho biết: hiện trên địa bàn huyện có 4 dự án thủy điện được cấp phép trong đó có 3 dự án đang được triển khai. Tuy nhiên, Công ty cô phần thủy điện Bắc Hà sau vụ xả lũ ẩu (giữa quý III năm 2014) gây thiệt hại hàng trăm ha hoa màu trị giá hàng tỷ đồng cho nhân dân vùng hạ du huyện Bắc Hà và Bảo Yên, vẫn chưa tiến hành hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho người dân như đã cam kết. Bên cạnh đó, vấn đề nước sinh hoạt cho 28 hộ dân khu tái định cư và nước sản xuất của 25ha đất nông nghiệp cũng chưa được Công ty này chú ý giải quyết dứt điểm.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp đã yêu cầu thủy điện Bắc Hà phải bổ sung phương án phòng chống ngập lụt cho vùng hạ du. Xây dựng bản đồ ngập lụt cho trục sông Chảy và có hệ thống cảnh báo sớm cho người dân trước khi tiến hành xả lũ. Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân cần được các nhà đầu tư quan tâm đúng mức để tránh bức xúc từ phía nhân dân Huyện Sa Pa, sau sự cố sạt lở đất do nổ mìn ngày 27/2/2015, tại khu vực cửa nhận nước – Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Cốc San, cũng đã phải di chuyển 03 hộ dân bị ảnh hưởng (02 hộ di chuyển tạm thời, 01 hộ di chuyển lâu dài) đến nơi an toàn, đồng thời nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ kinh phí di chuyển các hộ dân.
Kiên quyết “khai tử” các dự án thủy điện không đạt yêu cầu
Để giám sát chặt chẽ, đưa công tác quản lý xây dựng thủy điện vào khuôn khổ, từ tháng 7 năm 2014 đến nay, Sở Công Thương Lào Cai phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát công tác xây dựng và chấp hành các quy định về an toàn hồ chứa của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 990,65MW. Đến nay, UBND tỉnh Lào Cai đã cho phép 41 nhà đầu tư khảo sát lập dự án 66 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 975,85MW.
Theo ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, hiện có 7 dự án đã khởi công nhưng đang dừng thi công do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, không thể tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng như: Dự án thủy điện Suối Chăn 1, Nậm Xây Luông 5, Nậm Xây Nọi 2, Suối Chăn 1 và 2, Nậm Củn và Minh Lương. Ngoài ra, một số dự án còn gặp khó khăn về đường dây đấu nối xa như Nậm Luông 5, Nậm Xây Nọi 2. Ông Cương cũng cho biết, hiện Lào Cai cũng có 8 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa khởi công. Trong đó, ngoài 4 dự án theo yêu cầu của Bộ Công Thương phải triển khai thi công sau năm 2015, 4 dự án còn lại chủ yếu gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và năng lực của chủ đầu tư hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, đối với các dự án đã dừng thi công, trong quý II/2015, nếu không triển khai trở lại, UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi dự án. Đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 12 tháng chưa khởi công và các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trên 12 tháng mà chưa nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư thì UBND tỉnh cũng sẽ kiên quyết thu hồi.
Năm 2013-2014, Lào Cai đã tiến hành thu hồi và đưa ra khỏi quy hoạch 53 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Nguyên nhân các dự án thủy điện bị “khai tử” theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách trình Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai tại kỳ họp thứ 12, khóa XIV là do các chủ đầu tư không đảm bảo khả năng thực hiện dự án. Bên cạnh đó, một số dự án tác động đến môi trường và đời sống dân cư, không thực hiện đúng tiến độ cam kết, vi phạm Luật đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cũng tính đến cân bằng lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những hệ lụy với môi trường xung quanh các dự án thủy điện.