ThienNhien.Net – Những ngày gần đây có một số thông tin cho rằng nhiều người dân ở thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bị ung thư do sống trong ô nhiễm. Đặc biệt, người dân đã phản ánh thông tin này đến tận lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng khiến sự việc càng nóng. Thực hư vấn đề này ra sao, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu.
Sống trong ô nhiễm
Trưa 15-4, chúng tôi men theo hơn cây số trên những con đường đang làm dở dang từ QL1A vào thôn Trung Sơn để tìm hiểu sự việc. Từ đầu thôn, khi thấy bóng dáng người lạ với ba lô, máy ảnh, một số người dân đã lên tiếng hỏi “chú là nhà báo hả, đến đây để viết về chuyện ung thư chứ gì?”.
May mắn trong số này, tôi gặp được ông Võ Chí Thanh – Trưởng thôn Trung Sơn. Ông Thanh cho biết: “Thông tin cho rằng nhiều người bị ung thư là do gần đây trong thôn có 2 người chết, hiện giờ cũng có một số người đang bị bệnh ở giai đoạn cuối nên người dân lo lắng. Theo tôi thì căn bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên do khu vực này bị ô nhiễm nhiều năm nay nên một số người dân bức xúc, cho đó là nguyên nhân chính”.
Ông Thanh cho biết thêm, thôn Trung Sơn hiện nay có 198 hộ với 679 nhân khẩu, 15 hộ nghèo. Toàn bộ khu vực Trung Sơn và khoảng 100 hộ của tổ 61-Hồng Phước (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu) đang nằm trong diện giải tỏa nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được di dời dứt điểm, xung quanh thôn đơn vị đầu tư lại đổ đất đá để san nền nên khu vực này rất ẩm thấp. Mặt khác, chạy qua thôn có một hệ thống kênh đất hở, tuồn nước thải từ khu công nghiệp Hòa Khánh ra, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2004 đến nay, thôn Trung Sơn phải nhường đất để thực hiện các dự án: KCN Hòa Khánh mở rộng, Khu nhà ở công nhân liền kề, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Khu đô thị Xanh và khu xử lý nước thải Liên Chiểu. Chính vì vậy, đất đai sản xuất của người dân bị thu hẹp, nước thải chưa qua xử lý tràn vào đồng ruộng khiến người dân chẳng sản xuất được gì.
Dẫn tôi đi khảo sát một vòng quanh thôn và đến đoạn tiếp giáp giữa hệ thống thoát nước cuối đường số 4, KCN Hòa Khánh với con mương bằng đất chảy thẳng vào thôn, Trưởng thôn Võ Chí Thanh than thở: “Anh nhìn thấy đó, nước đen ngòm vậy mà nói không ô nhiễm thì ai tin được”. Quả thực, dòng nước đen kịt vẫn không ngừng len lỏi vào khu dân cư, còn người dân thì phải chịu đựng để sống.
“Nhiều năm qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, phản ánh nhiều lần tại các buổi họp tiếp xúc cử tri, gửi đơn thư đi nhiều nơi để phản ánh sự việc nhưng chưa có ngành chức năng nào đứng ra giải quyết dứt điểm cho người dân”, ông Thanh nói với giọng buồn rầu.
Chính vì không xử lý dứt điểm, nước ô nhiễm chảy từ dòng kênh hở qua thôn khiến cho người dân ở đây không thể sản xuất được. Thứ có thể tồn tại trong dòng nước này là cá rô phi và rau muống. Tuy nhiên, người dân ở đây không hái rau muống hay bắt cá từ nguồn nước ô nhiễm kia về ăn…
Chết vì ung thư là có thật
Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, ông Huỳnh Tấn Bôn xác nhận thông tin vài người ở thôn Trung Sơn chết vì bệnh ung thư là có thật, nhưng nói đây là “làng ung thư” thì không có cơ sở và nguyên nhân căn bệnh này do đâu thì cần phải có một cuộc kiểm tra toàn diện của các cơ quan chức năng để tạo sự yên tâm cho người dân.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Liên trong 3 năm gần đây về số người chết vì bệnh ung thư cho thấy: năm 2012 thôn Trung Sơn có 7 người chết (cả xã có 74 người chết) nhưng không có ai chết do nguyên nhân ung thư; năm 2013, thôn Trung Sơn không có ai chết trong khi toàn xã có 55 người chết.
Tuy nhiên, năm 2014, Trung Sơn có 3 người chết (cả xã có 56 người) thì có 1 người bị chẩn đoán do ung thư gan. Đặc biệt, trong quý I-2015, Trung Sơn có thêm 2 người chết vì bệnh ung thư là ông H.T.T (65 tuổi, ung thư gan) và V.H (56 tuổi, ung thư phổi). Mở rộng điều tra thêm cho thấy, trong năm 2010 đến 2011, tại thôn Trung Sơn có 4 người chết vì ung thư và hiện có 3 người cũng đang bị bệnh này ở giai đoạn 4 và điều trị tại nhà.
“Nguyên nhân căn bệnh này thì chúng tôi mong cơ quan chức năng cấp trên cần bố trí một đoàn kiểm tra cụ thể. Nhưng trước thực trạng ô nhiễm ở thôn Trung Sơn do nước thải KCN gây ra, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị giải quyết. Cuối năm 2014, huyện tổ chức nạo vét để khơi thông dòng chảy, chủ đầu tư KCN cũng đưa xe đến nạo vét nhưng họ đưa xe lốp đến, thời tiết lại vào mùa mưa, đất cát nên chẳng làm được gì và rồi phải đi về. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua chúng tôi cũng có kiến nghị và yêu cầu phải giải quyết trong mùa khô này, chứ để đến mùa mưa thì không thể thực hiện được”, ông Huỳnh Tấn Bôn phản ánh.
Như vậy, nói người dân ở thôn Trung Sơn đang rất lo lắng bởi chất lượng cuộc sống ở đây đang bị ảnh hưởng vì nước thải công nghiệp là có cơ sở. Chúng tôi cũng mong rằng chính quyền thành phố cần chỉ đạo các khu công nghiệp và doanh nghiệp cần xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Mặt khác, cần phải cử cơ quan y tế đến thôn Trung Sơn để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm tạo sự yên tâm cho người dân.