ThienNhien.Net – Tất cả được chuyển đến Tha Rae. Từ đây, chó to được chuyển tới quận Baan Pheng rồi chuyển qua Trung Quốc. Chó nhỏ hơn thì bán qua Việt Nam. Chỉ cần 5 phút vượt sông Mê Kông, giá chó đã tăng gấp 10 lần.
Rất nhiều người Việt Nam đang tỏ ra ngỡ ngàng và sợ hãi khi xem video có tên là “Về đi Vàng ơi” với những cảnh bắt trộm chó và giết thịt dã man thì trên tờ Guardian (Anh) có bài điều tra về hoạt động buôn thịt cho từ Thái Lan tuồn vào Việt Nam…
Nhu cầu thịt chó ở Việt Nam chính là nguyên nhân dẫn đến hoạt động buôn bán chó trị giá hàng triệu USD ở Thái Lan. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 300.000 con chó được vận chuyển qua sông Mê Kông tới Lào, rồi vượt hàng trăm cây số để tới Việt Nam.
Các sỹ quan hải quân dựa vào tin báo của người dân để bắt bọn buôn lậu chó, nhưng rất ít khi họ thành công. Người ta nói chỉ cần một khoản tiền nộp phạt nhỏ là bọn buôn lậu lại ung dung lên đường và bình yên ít nhất là trong một vài ngày. Một tính toán nói hoạt động buôn bán chó mang về hơn 1,86 triệu USD/năm cho các băng nhóm người Thái. |
Theo Roger Lohanan, thuộc tổ chức Bảo vệ động vật Thái Lan, đây là một thị trường đen, do mafia điều hành dưới sự bảo trợ của các quan chức tham nhũng.
“Trước đây thì nhỏ thôi. Nhưng bây giờ, đây là hoạt động xuất khẩu quan trọng. Vì không phải chịu thuế, lãi có thể lên đến 300 – 500%”, Lohanan, người đã nghiên cứu hoạt động buôn bán thịt chó từ năm 1995 nói với tờ Guardian.
Tha Rae là một thị trấn nhỏ yên bình ở Sakon Nakhon. Nhưng làng đồ tể đã có danh tiếng làm thịt chó từ 150 năm trước, khi một nhóm người Việt qua đây định cư. Chính vì những người này thịt chó để ăn trong khi người địa phương không có tập tục ấy, làng mới có tên là làng đồ tể.
Ngày nay, người dân địa phương nói ít nhất 5.000 người, tức 1/3 dân số ngoài việc làm nông nghiệp thu nhập chẳng là bao, kiếm sống bằng cách bắt chó, thịt chó để bán cho dân địa phương hoặc xuất khẩu.
Ở Thái Lan, ăn thịt chó không phạm pháp nhưng không phổ biến. Hầu hết người dân phản đối việc này. Tuy nhiên ở Tha Rae, các quầy hàng dọc theo con đường dẫn đến trụ sở chính quyền bán đầy thịt chó làm sẵn với giá 300 baht (khoảng 200 ngàn đồng).
Các nhà bảo vệ động vật nói người đứng đầu chính quyền thị trấn Tha Rae, Saithong Lalun thu được nhiều tiền bạc từ các hoạt động buôn bán chó.
Ông ta từ chối phỏng vấn của phóng viên Guardian, nói rằng các cuộc phỏng vấn trước đây khiến ông ta gặp nhiều rắc rối. Nhưng một quan chức cấp dưới của ông này nói với điều kiện giấu tên, rằng chính quyền hoàn toàn biết về chuyện buôn lậu chó.
Ở Thái Lan, vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận tiêm chủng là phạm pháp, trong khi chó được chuyển qua Lào còn không có giấy hải quan hay thuế má gì.
“Tất nhiên là ông thị trưởng hoàn toàn biết và thậm chí ông ta cũng tham gia bán chó. Cảnh sát và lãnh đạo tỉnh Sakon Nakhon cũng đầy đủ năng lực và quyền hạn để ngăn chặn, nhưng vấn đề là họ không làm”, viên chức giấu tên nói.
Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cũng không hẳn là ngồi yên. Các cuộc bố ráp hoạt động buôn lậu chó vẫn được Hải quân hoàng gia Thái Lan thực hiện.
Lực lượng này trong năm 2013 đã chặn một vụ chuyên chở bằng tàu thủy gần 2.000 con chó trong tháng Tư, rồi một chuyến khác với 3.000 con trong tháng Năm. Các con tàu đang trên đường tới Lào, nơi người dân cũng không có thói quen ăn thịt chó.
Surasak, sỹ quan hải quân Hoàng gia Thái Lan, cho hay, chó được thu mua từ các hộ dân với giá khoảng 200 bath/con (150.000 đồng), hoặc chó hoang, chó nhà bị bắt trộm.
Tất cả được chuyển đến Tha Rae. Từ đây, chó to được chuyển tới quận Baan Pheng rồi chuyển qua Trung Quốc. Chó nhỏ hơn thì bán qua Việt Nam. Chỉ cần 5 phút vượt sông Mê Kông, giá chó đã tăng gấp 10 lần. “Chính vì lãi như thế nên ai cũng muốn nhảy vào buôn bán chó”, Surasak kết luận.
Con đường mà bọn buôn lậu chó dùng để vận chuyển hàng là đường số 8, đi qua nhiều con đèo núi đá vôi của Lào.
Khi còn trên đất Thái, chó được đưa vào các lồng sắt chất lên xe chở gia cầm, mỗi lồng chứa khoảng 12-15 con, mỗi xe khoảng 6-8 lồng, mỗi chuyến xe trị giá 160.000 bath (khoảng 103 triệu đồng).
Xe chạy trong đêm tới biên giới trước khi hàng được chuyển xuống thuyền để vượt sông Mê Kông và rồi lại được chất lên xe tải. Bọn buôn lậu có mạng lưới người mật báo, dùng biển số xe giả và thiết bị định vị vệ tinh GPS. Từ đây, xe chạy thoải mái không cần lo lắng gì. “Qua tới đất Lào, coi như chuyến buôn lậu đã thành công”, một cảnh sát Thái nói.
Nếu cần nghỉ lại, bọn buôn lậu hầu hết sẽ dừng ở Lak Sao, thành phố cuối cùng trước khi hàng tới biên giới với Việt Nam.
“Bạn sẽ nghe thấy tiếng xe tải trước khi thấy họ”, dân địa phương đùa trong khi đoàn xe chở chó chạy dọc các con đường bụi bặm hầu như hằng đêm. Tiếng chó tru mỗi khi đoàn xe đi qua phá tan sự tĩnh lặng của vùng phố núi hoang sơ.
Trạm kiểm soát cửa khẩu của Việt Nam nằm trên một con đèo. Từ đây, chó sẽ được đưa về xuôi, tới thành phố Vinh (Nghệ An). Đoàn xe chở chó dài tưởng như vô tận.
Nguyen Truong, lái xe khách 38 tuổi hằng đêm mất 6 giờ chạy xe từ Vinh ra Hà Nội. Anh bảo: “Mấy cái xe tải ấy luôn đầy chó, nhưng gần đây tôi thấy có cả mèo nữa”.