ThienNhien.Net – Nước bao phủ tới 2/3 bề mặt hành tinh xanh của chúng ta song cả thế giới lại đang phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước ngọt do nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này đang ngày càng gia tăng.
Trong báo cáo chung công bố ngày 14-4, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Hội đồng Nước thế giới (WWC) cùng cảnh báo, do tác động của môi trường sống và hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đang phát triển có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng trong những năm tới. Theo 2 tổ chức này, nếu không cải thiện, thế giới có thể phải đối đầu với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về nước ngọt khi dân số thế giới đang tăng nhanh chóng với dự báo sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh hiện đang có khoảng 1 tỷ người trên thế giới thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và con số này sẽ tăng lên gấp 5 lần vào năm 2020. Theo các chuyên gia, trong 1 thế kỷ qua, mức sử dụng nước ngọt trên thế giới đã tăng hơn 2 lần do gia tăng dân số và khí hậu toàn cầu ấm dần lên.
FAO và WWC nhận định rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ là lĩnh vực sử dụng nhiều nước ngọt nhất với dự báo đến năm 2050, 60% lượng nước ngọt tiêu thụ toàn cầu sẽ được ngành này sử dụng để sản xuất ra lượng lương thực, thực phẩm đủ phục vụ người dân toàn thế giới. Tuy nhiên, riêng tại các nước đang phát triển, tỷ lệ này sẽ cao hơn rất nhiều, thậm chí sẽ ngốn gần hết nguồn nước ngọt tại đây. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi ấy tại các nước này sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng, nếu không tìm biện pháp ngăn chặn, khắc phục ngay từ bây giờ.
Trong khi đó, một báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) cho biết, các nguồn cung nước ngọt hiện nay sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của toàn cầu vào năm 2040, do vậy có nguy cơ gây bất ổn định chính trị, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đe dọa các thị trường lương thực thế giới. Khả năng sản xuất lương thực và năng lượng của các khu vực gồm Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị hạn chế do phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan tới nguồn nước ngọt.
Thiếu nước không chỉ đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người mà còn làm hoang hóa nhiều khu vực. DNI cảnh báo nguồn nước ngọt có thể sẽ bị các quốc gia, nhất là các quốc gia ở đầu nguồn, khống chế và sử dụng như một thứ vũ khí để đe dọa các quốc gia có chung dòng sông ở dưới hạ lưu, chưa nói tới khả năng các phần tử khủng bố cũng sử dụng nước như một công cụ để đe dọa sự ổn định và an ninh của từng nước và của toàn cầu.
Để tránh những mối họa khôn lường do thiếu nước ngọt, FAO và WWC kêu gọi các quốc gia, các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các dự án để mở rộng hạ tầng cơ sở dự trữ, cung cấp nguồn nước, cải thiện chất lượng nguồn nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có, trong đó có việc sử dụng lại nguồn nước, tìm kiếm nguồn nước ngầm, xây thêm hồ đập để giữ nước… mà theo tính toán cần tới nguồn vốn khổng lồ 6.700 tỷ USD từ nay tới năm 2050. Bên cạnh đó, các chuyên gia về nước cũng khuyến nghị áp dụng rộng rãi các kỹ thuật, công nghệ canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm đất và nước ở mức tối đa, song vẫn bảo đảm được năng suất cây trồng, vật nuôi.