ThienNhien.Net – “Cơn sốt” trồng cây mắc ca đang xuất hiện ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, khi không ít nông dân nghèo chạy theo loại cây được coi là tiềm năng này. Tuy nhiên, việc trồng một loại cây còn khá mới với Việt Nam cần có những bước đi thận trọng để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đề án không khả thi
Mắc ca là loại cây ưa khí hậu mát, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Cây thích hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, có khả năng chịu hạn cao đồng thời cũng chịu được mưa ẩm. Nhưng yêu cầu sinh thái thiết yếu nhất đối với loại cây này đó là biên độ nhiệt. Để hình thành chồi hoa (tháng 11) cần có chế độ nhiệt khoảng 18 độ C; nhiệt độ thấp hơn 12 độ C hoặc cao hơn 22 độ C đều không thể hình thành chồi hoa. Bên cạnh đó, vào thời điểm thụ phấn, ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn sẽ giảm khả năng đậu quả.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, cần ít nhất 5 tuần nhiệt độ lạnh dưới 17 độ C thì cây mắc ca mới cho hoa. Khi ra hoa cũng phải tránh mưa. Ví dụ như miền Bắc, hoa mắc ca gặp mưa xuân sau Tết thì quả đậu rất ít.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã khẳng định, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau. Mặt khác cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. Đến nay Bộ NN&PTNT chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca; quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Bộ NN&PTNT cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tập trung nghiên cứu, rà soát, bổ sung để hoàn thiện và công bố quy hoạch vào cuối năm 2015. Nhưng theo quy hoạch tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 khoảng 10.000 ha, bao gồm cả trồng tập trung và xen canh. Như vậy, quy mô 200.000 ha tại Tây Nguyên như mong muốn trong đề án Phát triển cây mắc ca tại Việt Nam của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty Him Lam đưa ra trong 5 năm tới là hoàn toàn không khả thi.
Chỉ nên trồng ở nơi đã thử nghiệm
Là địa phương có mô hình trồng từ năm 2006, đến nay Lâm Đồng đã có 960 ha mắc ca nhưng mới chỉ có trên 100 ha cho quả. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Ở Lâm Đồng cũng chỉ có khoảng 6/12 huyện, thành phố có thể trồng được là Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban Phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: Việc nghiên cứu để phát triển cây mắc ca trở thành cây hàng hóa có hiệu quả cao, đòi hỏi cần được nghiên cứu tổng hợp để có cơ sở khoa học vững chắc. Đồng thời, cần tiến hành chọn lọc, xác định và sản xuất được các loại giống mắc ca phù hợp nhất cho vùng cũng như cần có quy trình chăm sóc cây đúng kỹ thuật, quy trình thu hoạch, chế biến đảm bảo chất lượng hạt và quan trọng nhất, đó là đầu ra, là thị trường tiêu thụ. |
Khi LienVietPostBank và Công ty Him Lam đề xuất đầu tư loại cây trồng này tại địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho rằng: Nói là tiềm năng như vậy, việc đầu tiên là phải xây dựng chi tiết vùng sản xuất, làm sao có chuỗi cung ứng sản phẩm kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. “Phải dự tính được là nhà máy chế biến đặt ở đâu, Nhà nước hỗ trợ cái gì, doanh nghiệp đóng góp gì”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Không ít chuyên gia còn đặt vấn đề là liệu mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với các nước hay không, tại sao trên thế giới hiện nay mới chỉ có 80.000 ha mắc ca? Khi phát triển trồng việc tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Giải đáp những câu hỏi trên phải có cơ sở thực tiễn qua thực nghiệm cũng như cơ sở khoa học, trong đó đặc biệt là chuỗi giá trị sản xuất, những đánh giá tác động đến yếu tố kinh tế – xã hội, đánh giá về triển vọng thị trường, khả năng cạnh tranh…
Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu của Bộ NN&PTNT cho thấy, một số kết quả thuận lợi và lợi ích kinh tế của cây mắc ca. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ hướng dẫn nông dân trồng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Không triển khai trồng trên quy mô lớn trong khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Đặc biệt, việc phát triển trên quy mô lớn nhất thiết phải gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.