Các nhà khoa học đã cảnh báo Tùng cổ Yên Tử đang chết dần từ rất lâu

ThienNhien.Net – Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động ngày 13.4, TS. Vũ Thế Long – chuyên gia nghiên cứu về Lịch sử môi trường, người có gần 20 năm nghiên cứu về cây Xích Tùng cổ ở Yên Tử – cho biết, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cảnh báo về thực trạng trên từ rất lâu, nhưng chẳng mấy ai quan tâm. TS. Vũ Thế Long nói:

– Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu về hệ thống cây cổ ở Yên Tử, trong đó có những Tùng cổ thụ từ gần 20 năm nay. Ngày ấy, chúng tôi đã cảnh báo rằng những cây cổ thụ quý giá nhất trong nước đang có nguy cơ  chết dần chết mòn nếu như chúng ta không quan tâm chăm sóc chu đáo. Cây Tùng ở Yên Tử có nhiều thế hệ khác nhau. Có cây ngót nghìn năm tuổi và có những cây vài trăm năm tuổi. Tùng vẫn có thể sống rất lâu nhưng muốn thế phải có sự chăm sóc, cắt tỉa cành sâu mục… Tiếc rằng chẳng mấy ai quan tâm và không có những biện pháp chăm sóc cụ thể.

Thêm một cây Tùng cổ thụ sắp chết ở Tháp Hòn Ngọc. (Ảnh: Báo Lao động)
Thêm một cây Tùng cổ thụ sắp chết ở Tháp Hòn Ngọc. (Ảnh: Báo Lao động)

– Đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc hàng trăm cây Tùng cổ Yên Tử đang chết dần, đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Theo ông, đến nay, sự vào cuộc đó như thế nào?

– Tôi nghĩ Yên Tử là di tích Quốc gia đặc biệt. Cây cổ trong khu vực non thiêng Yên Tử phải coi là di sản sống và là loại hình di tích đặc biệt. Đáng tiếc là hiện nay khi tính chuyện gìn giữ tu bổ di tích, người ta không coi cây cối là một hợp phần quan trọng của di tích, mà chỉ chú ý đến tu bổ chùa chiền, làm đường đi lối lại và tiền đóng góp cũng chỉ để đúc tượng, xây chùa… Không có nguồn tài chính, nhân lực và chuyên môn đầu tư vào bảo vệ cho Tùng cổ thụ và hệ thực vật đa dạng, phong phú ở đây. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì Yên Tử sẽ đánh mất những giá trị vô giá. Những hàng Tùng cổ thụ có giá trị vô cùng quan trọng trong tổng thể di tích Yên Tử.

– Việc trùng tu, tôn tạo các di tích là đền chùa, miếu mạo ở Yên Tử là hết sức cần thiết, và nhiều năm qua, hàng trăm tỉ đồng-trong đó chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa đã được sử dụng vào việc này. Tuy nhiên, cũng là di tích-di sản, thậm chí là những di sản sống, tại sao Tùng Yên Tử lại bị đối xử bất công như vậy?

-Câu hỏi này xin các bạn hỏi cơ quan được phân công quản lí di tích. Ấy là Ban Quản lí Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cơ quan kiểm lâm và Cty Tùng Lâm – là những đơn vị đang thực hiện việc quản lí và khai thác du lịch ở đây.

14042015_canhbaotungcoyentuchetdan2

– Đã có một số đề án, đề xuất của Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, của Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh nhằm chăm sóc, chữa bệnh cho các “cụ” Tùng nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Theo ông, trong lúc chờ đợi, mà chắc chắn vẫn sẽ dài cổ chờ đợi nguồn ngân sách, có nên sớm kêu gọi xã hội hóa nhằm cứu Tùng Yên Tử không?

–  Tôi hoan nghênh có cuộc vận động các nguồn ngân sách khác nhau để chung tay gìn giữ di tích, di sản cổ thụ ở Yên Tử, nhưng trách nhiệm chính phải là nhà nước. Kinh nghiệm cho thấy việc chặt hạ và thay thế cây xanh ở Hà Nội trong thời gian qua đã có sự đóng góp tiền của của một số cty và cơ quan nhà nước nhưng kết quả là thất bại bởi không có sự tham vấn của các chuyên gia và sự điều hành của một bộ máy chuyên nghiệp. Cần tổ chức thực hiện và giám sát khoa học thì mới có kết quả.

Đôi khi có lắm tiền mà không biết cách thực hiện việc trùng tu, gìn giữ một cách khoa học, một cách văn hóa thì lại làm hỏng di tích như một số nơi đã xảy ra gần đây.

– Xin cám ơn ông